Thi THPT Quốc gia trên máy tính: Kết quả có luôn sau khi thi

Rất có thể từ năm 2021, Việt Nam sẽ có kỳ thi THPT Quốc gia thực hiện làm bài thi trên máy tính. Đây là hình thức thi phổ biến tại nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, kỳ thi có thể được tổ chức nhiều đợt trong năm và kết quả có luôn sau khi thi.

thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-ket-qua-co-luon-sau-khi-thi

Kỳ thi trên máy tính dành cho học sinh lớp 12 được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015. Ảnh: V.N.U

Từng bước tiến tới kỳ thi làm bài trên máy tính

Mới đây theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, sau năm 2020 kỳ thi THPT thí sinh sẽ thi trên máy tính. Với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể dùng để xét tuyển vào đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Có thể thấy, trong những năm qua, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT đến kỳ thi THPT Quốc gia (làm bài thi trên giấy) đã từng bước được điều chỉnh, cải biến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, người nhà, đồng thời dùng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp… Tuy nhiên, tại mỗi kỳ thi ngoài một số mặt tích cực, vẫn còn bộc lộ những điểm cần khắc phục. Cụ thể, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã bộc lộ "lỗ hổng" khiến hàng trăm bài thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang bị can thiệp, nâng điểm.

Do đó, kỳ thi trên máy tính được Bộ GD&ĐT đề xuất nghiên cứu, thí điểm và triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm. Đồng tình với đề xuất này, GS Nguyễn Minh Thuyết -Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho rằng, chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học cũng buộc phải đổi mới thi cử. Bởi cách thi trên giấy như hiện nay khó đánh giá được hết các năng lực của học sinh, do đó đề xuất thi trên máy tính sẽ là phương án thích hợp.

Áp dụng công nghệ vào thi cử là mong muốn của nhiều chuyên gia từ những năm qua, bởi khi thi trên máy tính sẽ hạn chế được sự can thiệp theo chiều hướng tiêu cực (sửa bài, nâng điểm) của kỳ thi. "Đưa công nghệ vào kỳ thi cần sớm được thực hiện, có sự tham gia của hệ thống ngân hàng câu hỏi, phần mềm quản lý thi có tính bảo mật cao sẽ hạn chế được tiêu cực trong thi cử", TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết.

Thí sinh bớt bị áp lực

Với nhiều thí sinh ở thành phố thì thi trên máy tính không còn xa lạ, bởi nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai hàng chục năm qua. Việt Nam cũng đã có một kỳ thi tương tự, đó là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức từ năm 2015 đến nay. Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức 2 lần/năm, có sự tham gia của nhiều trường đại học trong tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Ngay từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội đã được thí sinh đón nhận một cách tích cực với số lượng lớn thí sinh dự thi vào mỗi đợt. Ưu điểm của kỳ thi cũng được nhận diện bởi thí sinh, phụ huynh cảm thấy thoải mái khi tham dự.

"Em đã từng dự thi kỳ thi trên máy tính vào năm 2016, lúc đó cảm thấy rất thoải mái, đi thi như đi chơi vậy không bị áp lực. Thao tác trên máy tính không khó vì chỉ việc click vào đáp án, hoặc điền đáp án, hết thời gian, em biết điểm luôn. Em thi đợt 1 được 86 điểm, sau đó đăng ký tiếp ở đợt 2 với mong muốn kết quả cao hơn", Minh Hạnh (sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ.

Một số thí sinh từng dự thi kỳ thi trên máy tính đưa ra so sánh: So với kỳ thi tổ chức tập trung đông và thi trên giấy, kỳ thi trên máy tính thuận lợi hơn rất nhiều, được tổ chức trong phòng máy tính hiện đại, có máy lạnh, rất sạch sẽ, quá trình thi ngắn gọn, biết điểm nhanh… Bớt hẳn nhiều khâu rườm rà của kỳ thi trên giấy như: Phát đề, điền số báo danh, thu bài, hàng loạt công đoạn sau khi chấm thi như rọc phách, chấm điểm… vì thế đã nảy sinh nhiều sự cố nặng nề trong những năm gần đây.

Một kỳ thi trong tương lai được hứa hẹn có nhiều ưu điểm, đánh giá đúng năng lực của học sinh và rất công bằng, khách quan (như đã thực hiện tại các nước, được áp dụng tại ĐH Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên để triển khai thật tốt, ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất cần xây dựng ngân hàng câu hỏi phù hợp.

"Để triển khai thi trên máy tính một cách hiệu quả, kỳ thi cần có hệ thống ngân hàng câu hỏi toàn diện, không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh mà còn giúp quá trình dạy và học được triển khai đúng tiến độ. Làm sao để thí sinh thấy được nếu không học, không nắm chắc kiến thức sẽ không làm được bài", TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Khoa học Giáo dục Hà Nội cho biết.

Theo Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.

Theo GiaDinh