Thi THPT Quốc gia trên máy tính có khắc phục được gian lận thi cử?

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, sau năm 2020 có thể áp dụng hình thức thi THPT Quốc gia trên máy tính. Đây là cách thi được áp dụng tại nhiều quốc gia giáo dục phát triển, được xem biện pháp nhằm hạn chế gian lận thi cử.

Có thể thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Sáng 25/9, tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã báo cáo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020.

Phương án của Bộ GD&ĐT được đề xuất trên cơ sở bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia giai đoạn 2015 - 2020...; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Phương thức tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể sử dụng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng.

thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-co-khac-phuc-duoc-gian-lan-thi-cu

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Về lộ trình, giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (KHTN và KHXH)…

Theo Bộ GD&ĐT, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: ETs, ACT.... đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Vẫn cần tăng tính giám sát, bảo mật

Như vậy, có thể hiểu, kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sẽ tiếp tục duy trì bài thi trên giấy giống như năm 2019. Sang kỳ thi 2021, dựa trên đánh giá về điều kiện thi, đặc biệt là tại các địa phương rồi mới đưa ra quyết định có tổ chức thi trên máy tính hay không. Phương án này không phải lần đầu được nhắc đến, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bởi được coi là hiện đại, góp phần hạn chế tiêu cực thi cử.

Cho rằng đã học là phải thi để đánh giá chất lượng học sinh, phương án thi trên máy tính cũng là một giải pháp hay, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - chia sẻ, trước khi triển khai cần có lộ trình và công tác chuẩn bị để phát huy hiệu quả. Thực tế, tổ chức thi trên máy tính thì phải bố trí mỗi em một máy tính. Số lượng thí sinh rất nhiều nên cần số lượng máy tính lớn, ngoài ra phải đảm bảo hệ thống kết nối thông suốt...

"Để kỳ thi hiệu quả, công bằng, cần tổ chức phân bổ thời gian chia đợt cho hợp lý, đề thi thiết kế đảm bảo công tác phân loại thí sinh và tương đương nhau giữa các bài thi" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam - cho biết, về mặt nguyên lý đã là tổ chức thi đều là yếu tố con người trong đó, vì thế tổ chức thi trên giấy, chấm bằng máy hay thi trên máy tính cũng cần có khâu kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nếu không sẽ lại có những tiêu cực, gian lận trong thi cử, chấm thi như đã từng xảy ra.

thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-co-khac-phuc-duoc-gian-lan-thi-cu

Thí sinh sau khi hoàn thành xong thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Q.Anh

Trên thực tế, thi trên máy đã được áp dụng tại kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015 đến nay. Hằng năm, kỳ thi này đều thu hút một lượng lớn thí sinh tham gia và nhiều trường đại học phối hợp cùng tổ chức, sử dụng kết quả. Hầu hết các thí sinh cảm thấy thoải mái trong kỳ thi vì diễn ra vào thời điểm thích hợp, thí sinh đỗ hay trượt đều biết số điểm của mình luôn không phải chờ đợi lâu.

Một số thí sinh từng dự thi cho biết, do thi trên máy tính nên có thí sinh thành thạo máy tính không gặp khó khăn gì, nhưng với nhiều thí sinh ít sử dụng máy tính cũng gặp chút khó khăn trong các thao tác… Ngoài ra, việc không công bố đáp án của môn thi cũng là một "điểm trừ" của hình thức này. Theo giải thích của ĐH Quốc gia Hà Nội thì ngân hàng câu hỏi để sử dụng cho nhiều ca thi, vì thế nhà trường không công bố cũng như đề nghị thí sinh không tiết lộ đề thi của mình.

Theo GiaDinh