Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ: Hiểu thế nào cho đúng luật?

Quy định thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ trong thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngay khi vừa ban hành đã gặp phải những ý kiến trái chiều.

Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ

Ngày 5/12/2017 tới đây, thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai chính thức có hiệu lực.

Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tăng hiệu quả trong công tác quản lý hành chính đất đai và góp phần giảm thiểu các tranh chấp có thể phát sinh. 

Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ: Hiểu thế nào cho đúng luật?

Sẽ thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ (Ảnh minh họa)

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT có các điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư đã quy định cụ thể các căn cứ để xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhằm làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân cấp xã xác định đúng đối tượng  để giao đất nông nghiệp, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Hướng dẫn cụ thể việc thu hồi đất trong trường hợp dự án sản xuất, kinh doanh thực hiện theo phương thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất mà trong phạm vi dự án có diện tích đất thuộc diện Nhà nước quản lý, đất mà người sử dụng đất không có quyền thực hiện các quyền của nhường sử dụng đất.

Thứ hai, quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định việc xây dựng yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận; quy định thông số kỹ thuật về giấy nguyên liệu để in phôi Giấy chứng nhận nhằm đảm bảo chất lượng của Giấy chứng nhận; hướng dẫn cụ thể cách ghi Giấy chứng nhận đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp, trường hợp ủy quyền ký Giấy chứng nhận, trường hợp xác nhận thay đổi số Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân trên Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất,…để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, quy định về hồ sơ địa chính được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể việc chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất nông nghiệp; đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức mua bán nợ theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội; quy định cụ thể hồ sơ để thực hiện các thủ tục đất đai đã được bổ sung trong Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ;

Thứ tư, quy định cụ thể hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư; hồ sơ điều chỉnh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Đối với hồ sơ thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Thông tư quy định theo hướng cơ quan tài nguyên và môi trường sử dụng hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để thực hiện, không đặt ra các hồ sơ, thủ tục khác.

Thứ năm, quy định chi tiết việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất; sửa đổi, bổ sung quy định xác định diện tích đất nông nghiệp để tính hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng.

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động; việc sử dụng đất đối với trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn cho phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Điểm đáng chú ý là tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đã bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận cũng như trên các diễn đàn xã hội.

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Minh Hải (Công ty Luật TNHH Everest, Hà Nội) việc ban hành Thông tư 33/2017/TT-BTNMT là cần thiết. Nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật đất đai.

"Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất", Luật sư Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.

Việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ không tạo ra khó khăn, rào cản mà còn giảm các rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch tài sản.

Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ: Hiểu thế nào cho đúng luật?

 Luật sư Nguyễn Minh Hải

Cụ thể, thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.

“Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.” (Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013)

Quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đã cụ thể hóa khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 về cấp giấy chứng nhận đối với đất là tài sản chung của vợ và chồng. Theo đó, nếu là tài sản chung của vợ và chồng thì trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Điều này, đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ hôn nhân.

Luật sư Nguyễn Minh Hải cho rằng việc bổ sung tên các thành viên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã khắc phục được những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật đất đai, đặc biệt về việc xác định các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Bởi trên thực tế, thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai hiện hành chỉ thể hiện tên của người đại diện hộ gia đình, không có tên của các thành viên khác.

Nhiều trường hợp khi thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, đại diện hộ gia đình lại phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (UBND xã, phường) xác nhận các thành viên có tên trong hộ gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm căn cứ để xác định các chủ thể trong giao dịch về quyền sử dụng đất.

Hoặc khi không xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất có thể dẫn đến giao dịch về quyền sử dụng đất bị vô hiệu, hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong hộ gia đình khi yêu cầu phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất để thi hành án …

Rõ ràng, quy định trên không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

Theo GiaDinhVietNam