Thận trọng với thực phẩm chay không nguồn gốc tuồn từ Trung Quốc

Hiện nay khá nhiều người thích ăn các loại thực phẩm chay với hy vọng tốt cho sức khỏe tuy nhiên thực tế chất lượng thực phẩm chay liệu có đảm bảo và an toàn?

Ngang nhiên vận chuyển thực phẩm chay không rõ nguồn gốc

Hiện nay tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay được bán rất nhiều.

Các loại thực phẩm chay rất phong phú, từ nem, giò, chả, tới thịt, cá, tôm chay, mực chay... với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến mấy trăm ngàn/kg tùy loại. Ngoài ra, trên thị trường cũng bán đủ các loại gia vị chuyên để nấu cơm chay và cỗ chay như xì dầu, nước mắm chay, các loại xốt chay... 

Trong khi đó, hiện Việt Nam cũng như một số nước châu Á đang có trào lưu ăn chay vì mục đích tín ngưỡng, tôn giáo; ăn chay để thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật; ăn chay để giảm cân nên các sản phẩm này càng có cơ hội phát triển.

than-trong-voi-thuc-pham-chay-khong-nguon-goc-tuon-tu-trung-quoc

 Thận trọng khi sử dụng thực phẩm chay không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cổng TTĐT TP Móng Cái

Thông tin cụ thể về vấn đề này, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, ăn chay là chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, củ, quả, các loại hạt...

Ăn chay có nhiều chất xơ và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Chất xơ trong thực phẩm chay giúp chống táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cholesterol... 

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay ngoài những món ăn chay truyền thống, nhà sản xuất, kinh doanh đã chế biến thêm nhiều thực phẩm chay đóng gói sẵn.

Thậm chí, các món ăn chay ngày càng phong phú, đa dạng không kém gì các món ăn mặn nhưng chất lượng liệu có an toàn, nhất là những loại sản phẩm không rõ nguồn gốc ngày càng trà trộn nhiều vào thị trường được lực lượng chức năng thu giữ.

Cụ thể, mới đây, theo một lãnh đạo UBND TP Móng Cái, lực lượng biên phòng Hải Hòa phối hợp với đội đặc nhiệm phòng chống ma túy - tội phạm thuộc Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã kịp thời bắt giữ 1 tấn thực phẩm chay không nguồn gốc đang trên đường vận chuyển từ Trung Quốc vào nội địa tại khu vực Lục Lầm thuộc khu 9 phường Hải Hòa, TP Móng Cái.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là Lương Văn Châm (57 tuổi, trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái) khai nhận được thuê chở số hàng này từ khu vực biên giới vào nội địa tiêu thụ. Toàn bộ số thực phẩm chay đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đang trong quá trình phân hủy.

Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chay “nở rộ” trên địa bàn tỉnh. Dù chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm chay, nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác...

Dùng thực phẩm chay không rõ nguồn gốc gây hại gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực phẩm chay thông thường được làm từ đậu nành, rau, củ, quả.

Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.

Việt Nam cũng đã có quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và ban hành danh mục các chất phụ gia thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có ghi rõ tên các chất phụ gia được phép dùng với giới hạn tối đa trong từng loại thực phẩm. 

Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng, làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường...

Tuy nhiên, có những cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên sẵn sàng sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, có giá thành thấp để chế biến đồ ăn chay, hoặc nhập khẩu những sản phẩm chay không nhãn mác, không thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc rõ ràng để bán... gây tác hại cho sức khỏe con người.

Nhấn mạnh thêm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe.

Cụ thể là gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép và gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục (một số phụ gia tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia bị cấm). Có thể kể đến hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao...

Theo VietQ