Thẩm định sách giáo khoa lớp 1: Những bộ sách nào được chọn?



Ngày 22/11, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, được thực hiện từ năm học 2020 - 2021.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, tháng 7/2019, Bộ GD&ĐT ký quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Tổng số có 49 bản mẫu SGK đối với 9 môn học lớp 1.

Hội đồng thẩm định SGK thực hiện theo hai vòng (vòng 1, vòng 2) dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK. Kết luận ở 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt".

Cụ thể, ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 38/49 bản thảo SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn/ hoạt động giáo dục (77,70%) được các hội đồng thẩm định đánh giá mức "Đạt"; có 11/49 bản thảo GSK lớp 1 ở 6 môn học/ hoạt động giáo dục (22,3%) được hội đồng thẩm định đánh giá "Không đạt".

tham-dinh-sach-giao-khoa-lop-1-nhung-bo-sach-nao-duoc-chon

Tại buổi công bố bộ sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Bộ GD&ĐT, hầu hết các tác giả có bản mẫu SGK xếp loại "Không đạt" đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua Nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các hội đồng để tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định lại vào cuối tháng 12/2019.

Kết quả thẩm định của các hội đồng vừa qua cho thấy, nhiều bản mẫu SGK được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ quy định hướng đổi mới của chương trình GDPT với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

Sau khi tiếp nhận các bản mẫu SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm định đánh giá mức "Đạt", Bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lí đối với SGK để trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Việc lựa chọn SGK có chất lượng nhất là dựa trên tính phù hợp của từng bộ môn đối với địa phương. Đây chính là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng. Cho nên, chúng ta không nên quá băn khoăn với tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới".

Theo GiaDinh