Tạm đình chỉ phi công người Pakistan không ảnh hưởng đến khai thác hàng không Việt Nam

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc tạm đình chỉ các phi công mang quốc tịch Pakistan không ảnh hưởng đến khai thác của các hãng hàng không Việt Nam…

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, ngay khi có thông tin nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công nước này dùng bằng lái máy bay giả mạo, cơ quan này đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam rà soát, dừng giao nhiệm vụ cho phi công quốc tịch Pakistan hoặc dùng bằng lái do Pakistan cấp. 

Qua rà soát, nhà chức trách hàng không Việt Nam khẳng định, đã cấp phép bay cho 27 phi công người Pakistan được hoạt động tại các hãng hàng không của Việt Nam. Trong đó, Vietjet Air có 17 phi công, Vietnam Airlines có 6 phi công, Jetstar Pacific có 4 phi công.

Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tổng số 27 phi công người Pakistan được cơ quan này cấp phép, thời điểm này chỉ có 12 người đang lưu trú và làm việc tại Việt Nam, 15 phi công còn lại đã về nước do hết hợp đồng hoặc do dịch COVID-19 chưa quay trở lại làm việc. Trong số 12 phi công đang có mặt tại Việt Nam, có 11 người đang làm việc cho Vietjet, 1 làm việc cho Jetstar Pacific.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, đã cấp giấy phép lái máy bay cho 12 phi công Pakistan đang có mặt tại Việt Nam tuân thủ các quy định của Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế. Trong quá trình khai thác bay tại các hãng hàng không Việt Nam, không có trường hợp phi công Pakistan nào liên quan vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay.

tam-dinh-chi-phi-cong-nguoi-pakistan-khong-anh-huong-den-khai-thac-hang-khong-viet-nam

Tổng số phi công nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị nhà chức trách hàng không Pakistan xác minh bằng lái của các phi công quốc tịch Pakistan và họ sẽ có trách nhiệm trả lời. Nếu bằng đó đảm bảo cấp đúng quy định, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế thì phi công đó được sử dụng bằng để hoạt động bình thường.

"Trường hợp có vi phạm thì Cục Hàng không Việt Nam sẽ thu hồi bằng lái đã cấp cho phi công. Cạnh đó, phi công gian lận bằng cấp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính…", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.

Việc tạm đình chỉ các phi công trên theo ông Đinh Việt Thắng không ảnh hưởng đến khai thác của các hãng Hàng không Việt Nam vì hiện nay lực lượng phi công không thiếu.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục yêu cầu các hãng tạm đình chỉ phi công mang quốc tịch Pakistan. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cũng tiến hành rà soát bằng lái toàn bộ phi công nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ GTVT và báo cáo Bộ trước ngày 31/7.

tam-dinh-chi-phi-cong-nguoi-pakistan-khong-anh-huong-den-khai-thac-hang-khong-viet-nam

Hãng hàng không Vietjet có số lượng phi công người nước ngoài đang làm việc nhiều nhất (622 trên tổng số 823 người lái).

Nhìn từ một số sự cố của các hãng không Việt Nam, một nhóm phi công Việt kiến nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam cần xây dựng lộ trình nội địa hóa hoàn toàn phi công để các hàng hàng không phải đầu tư vào nhân sự phi công chứ không thể khai thác nhân sự theo kiểu "ăn xổi" dẫn đến thiếu ổn định mất an toàn hàng không.

Những năm gần đây, câu chuyện lôi kéo phi công Việt của các hãng hàng không Việt Nam tốn không ít giấy mực của báo chí.

Thậm chí, có phi công người Việt còn khởi kiện cả hãng hàng không vì các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng lao động, khiến họ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian để xin chuyển việc. Hiện tại, để đào tạo được một phi công người Việt, tốn khoảng 2 tỷ đồng và mất hơn 2 năm.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số người lái nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó Vietnam Airlines có 309 người lái (chiếm 25,7% trên tổng số 1203 người lái). Jetstar Pacific có 145 người (chiếm 70,3% tổng số 206 người lái). Vietjet có 622 người (chiếm 75,6% trên tổng số 823 người lái). Bamboo Airways có 147 người (chiếm 58,6% trên tổng số 251 người lái).

Theo GiaDinh