Suy thoái kép sẽ xảy ra trên toàn cầu nếu nền kinh tế các nước vẫn tiếp tục tung tiền cứu trợ

Việc các quốc gia tung quá nhiều tiền cứu trợ sẽ khiến tỷ lệ nợ công tăng mạnh dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép trong thời kỳ suy thoái.

Tình hình các nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt chính phủ tung những gói cứu trợ kỷ lục nhằm giúp đỡ người dân và các doanh nghiệp.

Những khoản cứu trợ này là cần thiết với cả nền kinh tế nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại việc tung tiền quá nhiều sẽ khiến tỷ lệ nợ công tăng mạnh dẫn đến một cuộc khủng hoảng kép trong thời kỳ suy thoái tại một số quốc gia.

"Khủng hoảng nợ đang đến. Hiện nay chính phủ các nước đang tăng cường đầu tư, chi tiêu công để chống dịch, cứu nền kinh tế và giữ thu nhập cho các lao động. Hệ quả là thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh trong những năm tới", Bộ phận nghiên cứu EIU của tờ Economist nhấn mạnh.

Ngay từ đầu tháng 1/2020 trước khi nhiều quốc gia áp dụng các lệnh cách ly, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã cảnh báo rủi ro vỡ nợ trên toàn thế giới. Theo đó, World Bank cho rằng việc tích lũy nợ từ đầu năm 2010 đến nay là một làn sóng tăng trưởng nhanh, mạnh và rộng khắp nhất của nền kinh tế toàn cầu từ thập niên 1970 đến nay. 

suy-thoai-kep-se-xay-ra-tren-toan-cau-neu-nen-kinh-te-cac-nuoc-van-tiep-tuc-tung-tien-cuu-tro

Liệu các gói cứu trợ có phải giải pháp tốt nhất để cứu nền kinh tế thế giới 

 Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy trong nửa đầu năm 2019, tổng nợ toàn cầu đã tăng 7,5 nghìn tỷ USD, đạt mức kỷ lục hơn 250 nghìn tỷ USD.

"Chúng tôi dự đoán tổng nợ trên toàn thế giới sẽ vượt 255 nghìn tỷ USD trong năm 2019 mà không có dấu hiệu nào dừng lại", IIF báo cáo vào cuối năm 2019.

Hiện tại, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm nay sẽ chịu cuộc khủng hoảng tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930 khi chính phủ các nước cách ly cũng như đóng cửa nền kinh tế để chống Covid-19.

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 3%, trái ngược hoàn toàn mức dự báo tăng trưởng 3% GDP vào tháng 1/2020 trước đó.

Chủ tịch IMF Kristina Georgieva cho biết một nửa thế giới đang đề nghị tổ chức này cứu trợ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Nam Âu sẽ vỡ nợ đầu tiên 

Theo báo cáo của EIU, việc chưa biết bao lâu dịch Covid-19 sẽ chấm dứt khiến khả năng tránh một cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng mong manh.

suy-thoai-kep-se-xay-ra-tren-toan-cau-neu-nen-kinh-te-cac-nuoc-van-tiep-tuc-tung-tien-cuu-tro

Mặc dù chính sách thắt lưng buộc bụng từng được sử dụng để hạn chế thâm hụt tài khóa trong quá khứ nhưng chúng lại không có tác dụng nhiều trong tình hình hiện nay khi nhiều nền kinh tế cần mở rộng chi tiêu để thúc đẩy lại tăng trưởng.

Thêm nữa, việc thắt lưng buộc bụng cũng được cho là kém hiệu quả khi khủng hoảng lan rộng và ảnh hưởng sâu trên toàn cầu như hiện nay. 

Việc không có một giải pháp thực tế để ngăn chặn khủng hoảng nợ có thể tạo nên một cú sốc thứ 2, thậm chí nặng hơn sau dịch Covid-19 xuống các nền kinh tế, đặc biệt là những nước từng mắc nợ nặng như Italy, Tây Ban Nha, qua đó ảnh hưởng lan rộng ra toàn thị trường.

Việc tăng doanh thu tài chính qua thuế hầu như kém khả thi trong tình hình doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 như hiện nay, trong khi các nhà đầu tư sẽ chẳng còn bị thu hút nhiều bởi trái phiếu chính phủ, một kênh để các quốc gia vay nợ.

"Nhiều nền kinh tế phát triển sẽ lâm vào khủng hoảng nợ trong trung hạn. Nguyên nhân chính là nhiều nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như Italy hay Tây Ban Nha vốn đã có tỷ lệ nợ công cao trước khi dịch bùng phát", báo cáo của EIU nêu rõ.

Hiện Tây Ban Nha và Italy là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất ngoài Trung Quốc do dịch Covid-19 với tổng số người nhiễm tương ứng là 182.816 người và 165.155 người tính đến ngày 16/4/2020.

Trong đó, Italy có tới hơn 21.600 ca tử vong còn Tây Ban Nha có hơn 19.100 ca tử vong vì dịch Covid-19.

Tồi tệ hơn, nhiều quốc gia Nam Âu hiện vẫn đang phải cố gắng gượng dậy sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng trả nợ công nhưng việc tỷ lệ nợ vẫn cao, thâm hụt ngân sách và một dân số già nua đang khiến tiến trình này khó khăn.

"Một cuộc khủng hoảng nợ công tại bất kỳ quốc gia Nam Âu nào cũng sẽ nhanh chóng lan ra toàn nền kinh tế phát triển cũng như các thị trường mới nổi khác, qua đó đưa kinh tế thế giới đến một cuộc khủng hoảng thứ 2 thậm chí còn nặng nề hơn", Chuyên gia Agathe Demarais của EIU nhấn mạnh.

Trái ngược lại, chuyên gia đầu tư chiến lược trưởng Steve Brice của Standard Chartered nhận định ông không thấy có dấu hiệu của một làn sóng vỡ nợ công.

"Chúng ta sẽ tránh được một làn sóng vỡ nợ diện rộng nhưng trong ngắn hạn, có thể chúng ta sẽ nhận được vài tin tức xấu. Rõ ràng, chúng ta cần thêm các khoản tài trợ và điều này chẳng dễ dàng như cách đây 2-3 tuần", Chuyên gia Brice cho biết khi đang nói về khoản vay vốn ưu đãi 349 tỷ USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã giải ngân xong tính đến ngày 16/4.

Theo VietQ