'Soi' nguồn thu của 4 tỉ phú USD Việt Nam

Theo ước tính của Forbes, tổng tài sản của 4 tỉ phú USD gồm: ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long vào khoảng hơn 10,5 tỉ USD.

soi-nguon-thu-cua-4-ti-phu-usd-viet-nam

Đúng như dự đoán, trong danh sách các tỉ phú USD thế giới năm 2018 do Tạp chí Forbes vừa công bố đã xuất hiện thêm 2 tỉ phú người Việt.

Cụ thể danh sách thường niên lần thứ 32 của Forbes năm nay gồm 2.208 tỉ phú, là con số cao kỷ lục với tổng tài sản cũng cao kỷ lục ở mức 9.100 tỉ USD, tăng 18% so với 1 năm trước đó.

Năm nay Việt Nam có 4 tỉ phú có mặt trong danh sách này. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng của Vingroup (xếp thứ 499) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air (xếp thứ 766) còn có 2 người mới là ông Trần Bá Dương của Thaco (xếp thứ 1.339) và ông Trần Đình Long của Hòa Phát (đứng thứ 1.756).

Với ông Phạm Nhật Vượng, đây là năm thứ 6 liên tiếp ông có tên trong danh sách của Forbes, với khối tài sản 4,3 tỉ USD, tăng 1,9 tỉ USD so với năm ngoái.

Nguồn tài sản của ông Vượng được đến từ nhiều lĩnh vực gồm: bất động sản, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, giáo dục, y tế. Theo thống kê của Forbes thì khối tài sản của ông đã tăng chóng mặt trong 6 năm qua, từ khi được công nhận là tỉ phú USD (từ 1,5 tỉ USD năm 2013 vọt lên 4,3 tỉ USD năm 2018).

Tổng lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng đang có trong tay là hơn 1,6 tỉ cổ phiếu, ông cũng gián tiếp sở hữu thông qua 92,88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Người thứ 2 được Forbes công nhận tỉ phú USD ở Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air. Đây là năm thứ 2 bà Thảo có mặt trong danh sách, khối tài sản của bà cũng tăng khá nhanh từ 1,2 tỉ USD năm 2017 lên 3,1 tỉ USD năm 2018.

Nguồn thu chủ yếu của bà đến từ bất động sản, hàng không và ngân hàng. Hiện bà Thảo nắm giữ gần 36 triệu cổ phiếu HDB, hơn 168 triệu cổ phiếu VJC. Nữ tỉ phú này cũng gián tiếp sở hữu thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Ông Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, từng được ví như "vua thép" ở Việt Nam. Khối tài sản của ông đến từ các lĩnh vực như: thép, bất động sản, nông nghiệp.

Ông Long lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001), gần nhất là bất động sản và mới đây là cả nông nghiệp.

Mặc dù trở thành công ty đa ngành, nhưng phần lớn kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi là thép xây dựng và ống thép. Hiện ông Long sở hữu hơn 385 triệu cổ phiếu HPG. Đây là năm đầu tiên ông được Forbes vinh danh với khối tài sản 1,3 tỉ USD.

Không "lấn sân" sang kinh doanh đa ngành như 3 tỉ phú USD trên, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco góp mặt trong danh sách của Forbes năm nay với 1,8 tỉ USD, với nguồn thu chủ yếu trong khối tài sản đến từ lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô.

Theo báo cáo tài chính quý gần nhất, tổng tài sản của Thaco đạt hơn 55.500 tỉ đồng. Trên thị trường không chính thức (OTC), những lệnh chào mua cổ phiếu Thaco được đặt trong khoảng 65.000-69.000 đồng, tương đương vốn hóa ước tính nếu doanh nghiệp này lên sàn gần 5 tỉ USD.

Tuyết Nhung

Theo Motthegioi

---------------------

Xem thêm:

"So găng" tỷ phú USD Việt với các nước Đông Nam Á

Việt Nam đứng thứ 6 về số lượng tỷ phú USD tại khu vực Đông Nam Á.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú năm 2018 của tạp chí Forbes, Việt Nam có 4 tỷ phú USD, gấp đôi năm ngoái. 

So với các nước trong khu vực, Việt Nam xếp thứ 6, sau Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet là nữ tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á với tài sản 3,1 tỷ USD.

so-gang-ty-phu-usd-viet-voi-cac-nuoc-dong-nam-a

Theo NLD / NDH