Sốc trước nội dung trong sách học Tiếng Việt lớp 2: Thi đậu thưởng xe đạp điện nhưng thi rớt được... xe máy?

Phần truyện cười trong sách Tiếng Việt lớp 2 bị đánh giá không phù hợp và có thể gây suy nghĩ hiểu lầm cho học sinh.

Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu được vài ngày và nhiều cha mẹ đã tiến hành mua đầy đủ sách giáo khoa lẫn sách tham khảo cho con em mình theo học.

Nếu học sinh cấp 2, cấp 3 có thể tự mua thì riêng với học sinh Tiểu học, cha mẹ đều nên lựa chọn và đọc kỹ để tránh mua phải sách có nội dung không phù hợp cho con.

Mới đây, một trang trong sách Cùng em học Tiếng Việt đã gây xôn xao với nội dung câu chuyện gây tranh cãi khi đề cập đến món quà sang chảnh nếu học trò... thi rớt.

"Hai thí sinh ngồi trước cổng trường ngồi xem kết quả.

- Bố tớ bảo nếu tớ thi đậu sẽ thưởng cho tớ chiếc xe đạp điện để đi học cho đỡ mệt.

- Còn bố tớ lại bảo nếu tớ thi rớt sẽ mua cho tớ chiếc xe máy.

- Trời ơi! Sao đã quá vậy?

- À... để chạy xe ôm kiếm cơm ấy mà".

Đi kèm 2 câu hỏi: "Kể lại câu chuyện cho bạn bè, người thân nghe", "Em hiểu ý của thí sinh trong truyện nói là gì?".

soc-truoc-noi-dung-trong-sach-hoc-tieng-viet-lop-2-thi-dau-thuong-xe-dap-dien-nhung-thi-rot-duoc-xe-may

Nội dung trong sách tập đọc Tiếng Việt cho học sinh lớp 2 có nội dung gây tranh cãi.

Nhiều phụ huynh đã không khỏi sốc sau khi thấy trang sách này, đặc biệt bài tập còn yêu cầu học trò kể chuyện cho bạn bè và người thân nghe.

Phần lớn cho rằng nội dung không phù hợp khi có phần khuyến khích học trò thi trượt, có thái độ phân biệt đối với nghề xe ôm, bên cạnh đó không phải trẻ lớp 2 nào cũng hiểu được ý nghĩa bài học hài hước của câu chuyện.

"Cái truyện cười này bao nhiêu năm rồi, trẻ con ngày xưa toàn bị dọa học dốt thì có mà đi làm xe ôm. Nhưng để vào sách để học thì không hợp lý lắm, chắc gì ai cũng hiểu", bạn Q.A bình luận.

"Câu chuyện rút ra chỉ có học mới thành người, còn học kém thì đi làm xe ôm. Thế khác gì chê nghề xe ôm toàn người bỏ đi mới đi làm?

Mình thấy nên dạy trẻ hiểu rằng nghề nào cũng được, miễn là kiếm tiền chân chính chứ không nên dạy phân biệt thế này", bạn C.H bình luận.

"Nghe có vẻ miệt thị nghề xe ôm quá. Nghề nào cũng cao quý như nhau cả thôi, đừng dạy trẻ nhỏ chưa lớn mà đã phân biệt, đòi hỏi cao sang - giàu nghèo", bạn T.B chia sẻ quan điểm.

Theo Trí thức trẻ