Sốc phản vệ nghi bị loài bọ xít hút máu người đốt

Đang ngủ thì thấy đau nhói sau gáy, ông Đ tỉnh dậy kiểm tra hung thủ là loại côn trùng hình dáng giống bọ xít. Ông nhanh chóng khó thở, ngứa ngáy...

Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nam tên Đ (57 tuổi, ở TP Biên Hòa) nhập viện cấp cứu nghi do bọ xít hút máu người đốt trong lúc nằm võng ngủ.

Khi đến viện, ông Đ khó thở, giảm phản xạ trên cơ, ngứa da vùng cổ gáy đầu mặt, mạch nhanh 116 lần/phút.

Các bác sĩ chẩn đoán ông Đ bị sốc phản vệ độ 3, nghi ngờ do côn trùng đốt và được điều trị theo phác đồ chống sốc, thở oxy. Hiện bệnh nhân ổn định sức khoẻ. 

Bác sĩ nhận định loại côn trùng mà người nhà ông Đ mô tả có khả năng là loại bọ xít hút máu người có tên khoa học là Triatoma rubrofasciata. 

soc-phan-ve-nghi-bi-loai-bo-xit-hut-mau-nguoi-dot

Loài bọ xít được gia đình ông Đ đưa đến viện

Bọ xít hút máu người là gì?

Loại bọ xít này lưu hành phổ biến ở Trung và Nam Mỹ, nhiều nhất là tại Mexico. Chúng có xu hướng đốt máu trên mặt người nên còn được gọi là "kissing bugs".

Theo các nghiên cứu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, có nhiều loại bọ xít hút máu. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở châu Mỹ, số ít khác ở châu Á, châu Phi và châu Úc.

Ở Việt Nam, có bốn loài bọ xít hút máu cũng được ghi nhận và đang có xu hướng phát triển gia tăng số lượng ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các khu dân cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. 

Chúng thường trú và làm tổ trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Thiếu trùng, con đực và cái trưởng thành đều hút máu động vật, người.

Bọ xít hút máu sinh trưởng rất nhanh và mạnh. Bọ xít mới nở đã hút máu được ngay. Nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau cá thể sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. 

Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà thì khoảng 20 ngày sau trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện. 

soc-phan-ve-nghi-bi-loai-bo-xit-hut-mau-nguoi-dot

Giai đoạn bọ xít trưởng thành, cơ thể có màu nâu tối phớt màu đỏ nhạt; phần đầu hơi kéo dài; râu đầu có 4 đốt, đốt thứ hai dài nhất, đốt 3 và đốt 4 vuốt nhỏ lại giống như lông cứng, đốt 4 màu trắng sáng; phụ miệng kiểu chích hút gọi là vòi, có 3 đốt.

Xử lý bọ xít hút máu người như thế nào?

Loài bọ xít này thường hút máu người vào ban đêm. Để đuổi bọ xít, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, kho chứa đồ trong nhà, đặc biệt ở những nơi có vật liệu gỗ. Mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Không nên để gỗ thành từng ụ trong khu vực sinh sống để hạn chế sự sinh sôi cũng như nơi trú ngụ của loài bọ xít hút máu người này. 

Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Để diệt tận gốc, cần thu gom trứng ấu trùng cho vào túi và đốt. Sử dụng hóa chất: Thực hiện biện pháp thủ công kết hợp với việc sử dụng hóa chất (Permethrin 50 EC, Alphacypermethrin 10SC…) để phòng chống bọ xít hút máu người một cách hiệu quả.

Theo GiaDinh