Sợ sữa bột nhiễm khuẩn tái diễn, Trung Quốc 'dốc sức' loại bỏ sản phẩm kém chất lượng

Vì sợ sữa bột nhiễm khuẩn Trung Quốc đang cố gắng tiến hành kiểm tra nhiều sản phẩm bán tại thị trường nội địa.

Hơn 1400 sản phẩm bị loại bỏ khỏi kệ hàng do không đảm bảo

Cụ thể, theo thông tin trên Tạp chí Diễn đàn đầu tư, mới đây, cơ quan kiểm tra Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra nhiều sản phẩm sữa bột bán tại nội địa Trung Quốc và tiến hành loại bỏ khoảng 1.400 sản phẩm khỏi kệ hàng. 

Như vậy các hãng sữa bột nước ngoài đang “nhăm nhe” tấn công vào thị trường Trung Quốc như Nestle SA và Danone cũng sẽ có thêm cơ hội để giành được “miếng bánh” tại thị trường sữa bột có quy mô ước tính lên đến 20 tỷ USD này.

Theo quy định mới nhất của chính phủ Trung Quốc, tất cả những công ty sản xuất sản phẩm sữa bột công thức phải đăng ký với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (FDA) và vượt qua các bài kiểm tra về độ an toàn. Mỗi công ty bị giới hạn chỉ sản xuất ba dòng sản phẩm và mỗi dòng cũng chỉ được có ba loại sản phẩm khác nhau.

Sợ sữa bột nhiễm khuẩn tái diễn, Trung Quốc 'dốc sức' loại bỏ sản phẩm kém chất lượng

 Trung Quốc sợ tình trạng sữa nhiễm khuẩn tái diễn nên ra sức tiến hành kiểm tra. Ảnh: Ảnh: South China Morning Post

Những sản phẩm không được chính phủ chứng nhận an toàn sẽ không được bán. Những sản phẩm kiểu này chủ yếu sẽ đến từ những công ty nhỏ tại địa phương. Theo những quy định mới, công ty nhỏ kiểu này sẽ khó có thể cạnh tranh được với những công ty đa quốc gia với công nghệ hiện tại, tiềm lực sản xuất tốt và chiến lược bài bản để tiếp cận người tiêu dùng.

“Hiện giờ đang có quá nhiều sản phẩm sữa bột công thức trên thị trường. Việc sản xuất sữa bột công thức giờ đây đang thay đổi quá nhiều, các công ty đưa ra quá nhiều định nghĩa về sản phẩm tốt khiến người tiêu dùng khó lòng chọn lựa.”

Cho đến hiện tại, FDA Trung Quốc đã chấp nhận cho 940 sản phẩm sữa bột công thức do 129 nhà máy sản xuất ra. Trong khi đó trên thị trường đang có đến 2.300 sản phẩm sữa bột công thức được bày bán.

Việc FDA Trung Quốc bất ngờ tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa bột nằm trong mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người Trung Quốc mà chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đang nhắm tới.

Sở dĩ ông Tập Cận Bình làm chặt chẽ với ngành sản xuất và kinh doanh sữa bột là do ông muốn ngăn chặn bê bối sữa nhiễm melamin năm 2008 tái diễn. Khi đó sữa bột công thức nhiễm melamin đã cướp đi sinh mạng của ít nhất sáu trẻ em và khiến hàng chục nghìn em khác bị ảnh hưởng xấu về sức khỏe.

Ngay cả sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, bê bối vẫn tiếp diễn. Năm 2016, cảnh sát Thượng Hải bắt giữ chín người vì hành vi sản xuất và kinh doanh sữa bột công thức giả dưới nhãn hiệu Similac và Beingmate.

Đến tháng 11/2017, khoảng hơn 18 nghìn lon sữa bột công thức giả do công ty Xinjiang Western Animal Husbandry đã bị phát hiện có chứa nguyên liệu quá hạn sử dụng.

Tác hại khi sử dụng phải sữa giả, sữa kém chất lượng

Liên quan tới sữa bột nhiễm khuẩn tác hại thế nào tới sức khỏe, trước đó TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trên báo Gia đình & Xã hội, khi sử dụng các loại sữa bột giả, kém chất lượng có thể làm nguy hại đến sức khỏe của người dùng, nhất là trẻ em.

Tùy vào các thành phần giả làm nên sữa giả sẽ gây mức độ nguy hại khác nhau. Chẳng hạn, sữa có melamine khi trẻ uống gây nên bệnh sỏi, sạn thận, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, sữa bột giả với nguyên liệu không đúng với tỷ lệ, trẻ uống sẽ không đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng. Quy trình sản xuất không đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, khi sử dụng có thể gây tiêu chảy, ngộ độc, ảnh hưởng hệ hô hấp.

Đặc biệt, khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, nôn trớ, cân nặng giảm hoặc không lên cân, có vấn đề về đường hô hấp... cha mẹ cần lưu tâm dừng sữa hoặc cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe. Với những trường hợp có bệnh lý chuyên biệt, cha mẹ cần nhờ các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn để chọn được đúng loại sản phẩm.

Nhận diện sữa giả từ bên ngoài

TS.BS Bùi Thị Nhung Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, khi mua sữa, người Việt vẫn ít có thói quen đọc nhãn mác mà hay mua theo mách bảo. Thói quen đọc hiểu nhãn bao bì là một giải pháp đơn giản và hiệu quả không chỉ giúp bạn hạn chế việc mua nhầm hàng giả mà còn giúp bạn chọn đúng sản phẩm mình cần. 

Với quan sát bằng mắt thường, việc phân biệt được sữa thật hay giả không dễ, nhất là với những loại sữa giả “ruột”. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận diện được thông qua một số gợi ý sau:

Xem mã vạch sản phẩm: Khi mua sữa bột, bạn cần quan sát trên hộp giấy hoặc hộp thiếc phải có mã vạch, kiểm tra kĩ mã vạch sản phẩm. Sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cần kiểm tra thêm tem phụ và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt từ nhà phân phối. Ví dụ sản xuất tại Mỹ có đầu số dài nhất (000-039), Nhật có 2 đầu số (450-459 và 490-499), Trung Quốc có một đầu số (690-695)

Hạn sử dụng: Sữa thật có hạn sử dụng được dập nổi, còn sữa giả có dấu hiệu bị tẩy xóa, in chồng lên nhau.

Bao bì: Sữa bột chính hãng bao bì còn nguyên vẹn, chữ in trên bao bì sắc nét, nổi bật, hộp không bị biến dạng, méo mó và có tem nhãn đảm bảo. Những loại sữa bột giả, hàng nhái trên bao bì hình ảnh mờ nhạt, không rõ nét, hộp có dấu hiệu bị biến dạng.

Theo VietQ