Siêu nấm kháng thuốc Candida auris nguy hiểm thế nào?

Các quan chức y tế Mỹ cho biết, một loại nấm gây nhiễm trùng nguy hiểm và có khả năng kháng thuốc đã xuất hiện tại bang Oregon (Mỹ).

Các quan chức y tế tại Oregon thông báo, họ đã ghi nhận 3 ca nhiễm trùng nấm Candida auris tại bệnh viện Salem Health ở thành phố Salem. Đây là 3 ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Oregon, trong đó ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 11.12 trong khi 2 ca còn lại xuất hiện trong các tuần kế tiếp.

Candida auris là loại nhiễm trùng nấm có khả năng kháng thuốc, đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho là đặt ra lo ngại nghiêm trọng cho thế giới.

Candida auris được xác định lần đầu tiên vào năm 2009 và xuất hiện tại Mỹ vào năm 2013. Đến nay, CDC đã phát hiện hơn 1.100 ca nhiễm lẫn nghi nhiễm. Trong năm nay, giới chức y tế Mỹ cũng đã phát hiện các đợt bùng phát nấm Candida auris tại bang Texas và Washington D.C.

Theo CDC, loại nấm này là mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn cầu và chủ yếu lây lan trong các cơ sở y tế. Loại nấm có khả năng lây lan cao, thông qua các bề mặt nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm, có thể gây nhiễm trùng nặng. Triệu chứng bệnh thường là sốt và ớn lạnh.

sieu-nam-khang-thuoc-candida-auris-nguy-hiem-the-nao

Mỹ phát hiện loài nấm kháng thuốc nguy hiểm. Ảnh: Thanh Niên/REUTERS 

Candida auris gây nguy hiểm cho bệnh nhân có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, dễ gây chết người nhất khi xâm nhập vào máu, tim hoặc não. Giám đốc y tế về phòng ngừa nhiễm trùng Jasmon Chaudhary tại Salem Health cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh có khả năng kháng thuốc như Candida auris phát triển.

Candida Auris thuộc họ vi khuẩn gây bệnh tưa miệng. Tuy nhiên, các nhiễm trùng nấm thường gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục và miệng, còn Candida Auris lại gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu và đường hô hấp.

Có nghĩa là các nấm men có thể đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể, gây nhiễm trùng xâm lấn nghiêm trọng. Các quan chức y tế Hoa Kỳ đang lo ngại về loại nấm men Candida Auris này có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tim hoặc não và những bệnh nhiễm trùng này rất khó điều trị.

Loại nấm này đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia trên khắp các châu lục. Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân nhiễm nấm tai ở Nhật Bản năm 2009. Kể từ đó, Candida Auris được phát hiện ở Colombia, Ấn Độ, Israel, Kenya, Kuwait, Pakistan, Hàn Quốc, Venezuela, Vương quốc Anh, Nam Mỹ và châu Phi.

Triệu chứng nhiễm nấm Candida Auris khó phát hiện bởi bệnh nhân thường nhiễm khi đang bị ốm nên chỉ có làm xét nghiệm mới có thể phát hiện được là đã nhiễm nấm. Không giống như những loài nấm men bình thường, chủng nấm Candida Auris gây ra nhiễm trùng máu cực kỳ nghiêm trọng. Chúng có thể gây ra nhiều kiểu nhiễm trùng khác nhau như nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng tai. Nấm Candida Auris có thể gây chết người và đặc biệt dễ xâm nhập cơ thể những người có hệ thống miễn dịch yếu, bệnh nhân sử dụng nhiều kháng sinh hoặc phải sử dụng ăn qua sonde hoặc ống thở đi vào cơ thể. Những bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật, người già sống ở những nhà dưỡng lão hay bệnh nhân phải thở máy cũng có nguy cơ cao nhiễm nấm này.

Bệnh nhân nhiễm nấm Candida Auris không có các triệu chứng khác biệt so với bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào khác. Các triệu chứng bao gồm sốt, yếu, huyết áp thấp và cảm thấy mệt mỏi. Phát hiện và chẩn đoán loại nấm này nhanh chóng là rất quan trọng trong điều trị các bệnh nhiễm nấm Candida Auris. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng vì Candida Auris có thể bị nhầm với các loại Candida khác. Candida Albicans - một loại nấm tương tự cũng có thể gây nhiễm trùng máu trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Để phân biệt 2 loại nấm này rất khó khăn, thậm chí với các bác sĩ. Tuy nhiên, điều trị nhiễm nấm Candida Auris khó khăn hơn do loại nấm này đã kháng thuốc, cụ thể là một số bệnh nhiễm trùng Candida Auris kháng tất cả các loại thuốc này. Điều này khiến các bác sĩ có ít lựa chọn để điều trị.

Trước đây, đã có những phát hiện về sự lây nhiễm loại nấm Candida Auris trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Candida Auris có thể dễ dàng lây nhiễm từ người sang người khi tồn tại hàng tháng trời trên da người bệnh và hàng tuần trên các bề mặt của giường, ghế và thiết bị y tế khác trong bệnh viện. Nấm có thể sống trên da lành lặn mà không gây nhiễm trùng. Nhưng nếu có một vết thương hở hoặc máu, loại nấm này có thể gây tử vong.

Khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc Candida Auris, cần cách ly bệnh nhân càng sớm càng tốt. Khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm nấm, cần mang đồ bảo hộ bao gồm đeo găng tay và áo choàng dùng 1 lần. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhiễm Candida auris cần thường xuyên làm sạch và khử trùng phòng bệnh nhân.

Hiện nay, các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Mỹ đang thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định để ngăn chặn sự lây lan của nấm Candida. Phần lớn những biện pháp phòng ngừa bao gồm khử trùng bề mặt cơ sở bằng thuốc tẩy, nhân viên bệnh viện mặc áo choàng và găng tay khi tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm nấm Candida Auris. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc bệnh nhân, bạn cần rửa tay sạch sẽ để phòng tránh nhiễm loại nấm nguy hiểm này.

Theo VietQ