Sau xe khách, hàng không kiến nghị tăng trần giá vé máy bay vì xăng dầu

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay; điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa...

Ngày 06/7, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản báo cáo gửi đến Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Cục này đề xuất điều chỉnh thuế, phí, giá vé liên quan đến vận chuyển hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp hàng không đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế nhập khẩu; giảm giá giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không; cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Theo đó, việc điều chỉnh tăng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa theo mức đã được quy định tại thời điểm năm 2014, tức là tăng trung bình khoảng 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.

sau-xe-khach-hang-khong-kien-nghi-tang-tran-gia-ve-may-bay-vi-xang-dau

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay; điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa... Ảnh: Bảo Minh

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã ký văn bản gửi đến Bộ Tài chính để kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông, nhằm có thể tháo gỡ một phần việc tăng chi phí vận tải do giá xăng, dầu tăng cao hiện nay.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đường hàng không, Bộ GTVT kiến nghị, từ nay đến hết 2022, giảm mức thu một số phí ban hành tại Thông tư số 193/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.

Cụ thể, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

Đối với lĩnh vực đường bộ, từ nay đến hết 2022, Bộ GTVT kiến nghị giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 70/2021/TTBTC ngày 12/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa.

Đối với lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 120/2021/TT-BTC về việc điều chỉnh giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, đến hết ngày 31/12/2022.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT kiến nghị kiến nghị miễn giảm 100% lệ phí ra – vào cảng bến thủy nội địa; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa đến hết năm 2022 (theo Thông tư 248/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính).

Đối với lĩnh vực hàng hải, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa (theo Thông tư 261/2016/TT/BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính)

Thời gian đề nghị giảm từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, sau nhiều lần xăng dầu điều chỉnh giá, doanh nghiệp vận tải tại tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương, Gia Lai... đồng loạt có đề xuất tăng giá vé, giá cước.

Cụ thể, Sở GTVT Hải Dương cho biết, từ ngày 1-15/6, đã có 8 đơn vị báo cáo tăng giá cước, vé vận tải hành khách.

Trong đó, có 6 hãng taxi gồm: Công ty CP Vận tải Rạng Đông, Công ty CP Vận tải Trường Sinh, Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương, Công ty TNHH Viễn Du chi nhánh Hải Dương; Doanh nghiệp Sản xuất và Dịch vụ Hương Nguyên, Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh tại Hải Dương với mức tăng giá cước khác nhau.

Phần lớn, các doanh nghiệp taxi đều tăng giá cước từ 8 - 10% đối với các dòng xe tính theo từ 0,6 km đầu trở đi.

Sở GTVT Lâm Đồng cũng cho biết, tại bến xe liên tỉnh Đà Lạt, nhiều hãng xe giường nằm đã điều chỉnh giá cước vận tải hành khách tuyến cố định do chi phí nhiên liệu tăng.

Đơn cử như xe Bảo Lộc đi Huế tăng 5,4%, lên mức 390.000 đồng/hành khách. Tuyến xe từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt đi Cần Thơ cũng lên 385.000 đồng/hành khách. Tuyến xe giường nằm Bến xe liên tỉnh Đà Lạt - Quảng Ngãi đã lên mức 300.000 đồng/hành khách, tăng 7,1%.

Sở GTVT thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tại tỉnh Gia Lai đã đồng loạt tăng giá vé để duy trì hoạt động, cao nhất là 25%. Tuy nhiên, việc tăng này sẽ được quyết định theo từng tuyến/loại xe và được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng.

Theo GiaDinh