Sạt lở Trà Leng: “Không khóc nổi” bên nấm mồ của bố mẹ

Nhận tin dữ từ Trà Leng, Trung đang đi học nhưng tìm cách về nhà và Trung đã không khóc nổi khi chứng kiến bố mẹ đã nằm cạnh nhau dưới nấm mồ. Em đã khóc hết nước mắt và giờ không thể khóc nổi.

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Cán bộ quân đội đang làm nhiệm vụ cứu hộ ở xã Trà Leng động viên Trung và bà con đồng bào thiệt hại, mất mát do thiên tai ở đây

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Dáng Trung lầm lũi đi về phía mộ phần của bố mẹ khiến ai nhìn thấy cũng xót thương

 Gia đình em Hồ Văn Trung có 6 người. Bố mẹ ở nhà làm rẫy nuôi con trai út là em Hồ Văn Đệ đang học lớp 8 tại xã Trà Leng, anh của Trung là Hồ Văn Trí, kế Trung là em Hồ Thị Điệp đang học ở Nam Trà My.

Trung kể: Chiều ngày 28/10, Trung nghe tin sạt lở nhưng không biết chỗ nào của xã Trà Leng. Tối đó Trung không thể nào ngủ được, không nghe tin tức gì về vụ sạt lở, trong lòng như lửa đốt. Sáng hôm sau, Trung lập tức chạy về nhà và chứng kiến ngôi mộ của bố mẹ đã nằm cạnh nhau.

“Vì quá lo lắng, em quyết định chạy về. Khi về đến nơi em mới biết, em cũng không biết nói sao nữa, chỉ biết khóc nhưng giờ em không thể khóc được nữa”, Trung tâm sự và thật sự chúng tôi nhìn thấy em không thể khóc nổi lúc này.

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Trung đã khóc cạn nước mắt trong nỗi đau thương, mất mát quá lớn

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Hiện cả nhà chỉ còn Trung ở lại nhang khói cho bố mẹ vì anh của Trung đi chăm sóc em út bị thương. Em Điệp thì ở trường.

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Anh em của Trung đã mất bố mẹ, giờ đây 4 anh em phải đùm bọc nhau mà sống

Em gái của Trung là Hồ Thị Điệp đang học ở huyện, trước ngày bão vào, dù em rất muốn về nhà nhưng nhà trường không cho về để an toàn tính mạng.

Khi mưa bão ập vào, vụ sạt lở núi làm xóa xổ một thôn của Trà Leng, trong đó có nhà bố mẹ Điệp. Sáng hôm sau khi hay tin chính xác bố mẹ Điệp bị nạn cùng hàng chục người khác nhưng cả trường đều giấu vì sợ Điệp bị hoảng loạn.

sat-lo-tra-leng-khong-khoc-noi-ben-nam-mo-cua-bo-me

Đầu giờ chiều ngày 29/10, sau khi đường sá tạm thời được thông, thầy hiệu trưởng Trần Thanh Quốc cùng một số giáo viên dẫn Điệp xuống núi về làng. Khi được người dân dẫn đến nấm mồ tạm và cho biết đó là nơi bố mẹ em nằm, Điệp đã sụp xuống và khóc nức nở.

Ngôi mộ của bố mẹ Điệp được người dân chôn tạm ngay gần điểm sạt lở. Người dân cho biết sau khi núi sập, họ đào trong đống đổ nát, nếu còn sống thì khiêng võng ngược ra xã để đưa xuống bệnh viện cấp cứu, còn ai tử vong thì họ chôn ngay gần đó và đánh dấu để người thân nhận biết.

Vợ chồng bị nạn là ông Hồ Văn Thanh cùng vợ là Hồ Thị Đức có 4 người con, 3 người con lớn đều đi học xa nhà, trong đó Hồ Văn Trung đang học tại trường nghề tại Chu Lai, huyện  Núi Thành; Hồ Thị Điệp đang học cấp 3 tại trường THPT Nam Trà My, con út là Hồ Văn Đệ đang học lớp 8 tại xã.

Người con trai lớn của ông Hồ Văn Thanh là Hồ Văn Trí, hiện Trí đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Huế. Ngày 28/10, trong lúc mưa bão thì Trí có nghe thông tin sạt lở nhưng không rõ cụ thể tại điểm nào của Trà Leng, vì vùng núi mưa lớn sạt lở là chuyện bình thường.

Cả thêm thao thức, Trí chờ nghe tin từ làng nhưng vẫn không có thông tin gì vì lúc này mọi thông tin đều bị cắt do bão và mưa quá lớn. Đến sáng ngày 29, khi nghe tin núi lở đúng ngôi làng của mình thì em rất lo lắng nhưng lúc này, Trí vẫn chưa hay tin tai họa ập đến với gia đình mình.

Nhưng vì sốt ruột tình hình ở nhà nên Trí quyết định 1 mình đi xe máy về nhà. Gần 10 tiếng chạy xe tư Huế, Trí về đến nhà thì đã tối. Trí kể, trên đường đi thì nhận được tin bố mẹ đã tử vong và được người dân chôn cất ngay gần nơi bị vùi lấp, Trí đã khóc hết nước mắt, mong cho nhanh đến nhà để được nhìn bố mẹ lần cuối trước khi được an táng.

Về đến nhà thì trời đã tối, vì nhà mình đã bị đất đá chôn vùi nên Trí phải đến nhà người thân ở nhờ. Sao lúc này Trí không ra thăm mộ bố mẹ? “Do phong tục của đồng bào mình ban đêm không được ra mộ nên em không thể ra thăm được”, Trí chia sẻ.

Còn em gái của Trí được thầy cô dẫn về đến nhà trời còn sớm nên em đã ra thăm mộ và sụp đổ. Tấm hình em Điệp ngã quỵ và khóc nức nở ngay mộ của bố mẹ đã được hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My - thầy Trần Thanh Quốc chụp lại và chia sẻ khiến cả nước xót thương.

Sau khi nhang khói cho bố mẹ, hôm sau em Điệp được thầy cô đưa lại lên trường để em tịnh tâm trở lại và chăm lo học hành; còn Hồ Văn Trí sau khi nhang khói cho bố thì lên Trung tâm y tế huyện Nam Trà My chăm sóc em trai là Hồ Văn Đệ bị thương đang điều trị tại đây.

Trí kể, trưa hôm đó, ở nhà có bố mẹ và em Đệ. Lúc xảy ra thảm họa, em Đệ chạy khỏi đống đất đá thoát chết nhưng cũng đã bị thương và được người dân đưa đến trung tâm y tế cấp cứu.

Còn bố mẹ không chạy kịp và nằm lại  dưới đống đổ nát. Hiện sức khỏe em Đệ đã tạm ổn. Hỏi Trí giờ em tính thế nào? Ai sẽ lo cho Đệ và các em ăn học? Trí bần thần nói: “Em cũng chưa biết nữa”.

Hiện giờ chỉ còn em Hồ Văn Trung ở nhà lo nhang khói cho bố mẹ. Trung đang ở khu nhà tạm dành cho người dân gặp nạn do sạt lở. Ngay cạnh hiện trường sạt lở là điểm trường nóc Ông Lục của Trường Tiểu học Trà Leng, mộ của bố mẹ Trung nằm cạnh điểm trường này.

Sáng 31/10, Trung được nhận được quà hỗ trợ từ mấy chú bộ đội và lãnh đạo địa phương. Sau khi nhận quà, Trung đi về hướng hai ngôi mộ đắp đất thắp hương cho mẹ, đốt cho bố điếu thuốc.

“Giờ em lên thắp hương cho cha mẹ, báo cho ba mẹ biết hôm nay được nhận quà. Em nghỉ học mấy này để chăm hương khói cho các anh em đi học. Về đây, em không thể khóc nổi nữa…”, Hồ Văn Trung ngập ngừng và đôi mắt em lại đỏ hoe.

Nhiều người không cầm được xúc động khi thấy Trung lặng lẽ đi về phía trên đồi đất trước mặt, nơi có bố mẹ em đang yên nghỉ ở đấy…

Công Bính – Phú Thọ

Theo Dân Trí