SAB có "lành ít, dữ nhiều"?

Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu vừa được đưa vào áp dụng, nhà đầu tư đã lo ngại doanh thu của ngành sản xuất bia rượu sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, tác động đến giá trị cổ phiếu, trong đó có mã SAB (Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn). Vì thế, mục tiêu tăng trưởng của SAB được xem là “lành ít, dữ nhiều”…

Phiên giao dịch ngày 9/1 chứng kiến các cổ phiếu của ngành thực phẩm đồ uống thi nhau mất điểm. Kết thúc ngày giao dịch, ngành thực phẩm đồ uống với tổng cộng 35 mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) thì có tới 25 mã cổ phiếu mất điểm. Trong nhóm cổ phiếu ngành này, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào sự biến động “ông lớn” SAB, vì những lo ngại ảnh hưởng từ Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu.

Thống kê 20 phiên giao dịch gần nhất, SAB có đến 13 phiên giảm và đứng giá. Với cổ phiếu hấp dẫn như SAB thì đây là điều hiếm gặp, vì tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu này rất cao, nhất là khi SAB được chuyển giao về tay ông chủ người Thái. Nhưng khi Nghị định 100 vừa có hiệu lực, tài sản của “ông chủ” người Thái tại SAB (dựa trên lượng cổ phiếu nắm giữ) đã “bốc hơi” hơn 1.000 tỷ đồng.

sab-co-lanh-it-du-nhieu
Thống kê 20 phiên giao dịch gần nhất, SAB có đến 13 phiên giảm và đứng giá. 

Kết quả kinh doanh (quý 3/2019) của SAB có doanh thu thuần đạt trên 9.745 tỷ đồng; Lợi nhuận gộp đạt gần 2.399 tỷ đồng; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt trên 1.808 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt họn 1.459 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt trên 1. 386 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán (quý 3/2019), SAB thể hiện tài sản ngắn hạn đạt trên 17.575 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt trên 24.777 tỷ đồng; Nợ phải trả gần 5.797 tỷ đồng; Nợ ngắn hạn chiếm trên 5.492 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt trên 18. 980 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2018 cũng thể hiện sức mạnh của “ông vua” ngành bia bọt này. Theo đó, SAB có doanh thu thuần đạt gần 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt trên 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 5.351 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt trên 4.400 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản năm 2018 của SAB có tài sản ngắn hạn đạt trên 14.690 tỷ đồng, tổng tài sản là gần 22.367 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm gần 16.112 tỷ đồng, tổng nợ là 6.254 tỷ đồng, trong đó có nợ ngắn hạn chiếm trên 5. 925 tỷ đồng. Các chỉ số về triển vọng phát triển công ty năm 2018 của SAB ghi nhận chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) = 41.06 lần, cao hơn nhiều so với trung bình ngành (P/E = 26 lần). Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = 27.36%, chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) = 18.83%…

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội. Nghị định này được đánh giá là có những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao), đủ sức răn đe người uống rượu, bia mà còn điều khiển phương tiện giao thông sẽ phần nào giảm bớt số vụ tai nạn giao thông do bia,  rượu gây ra. Vì thế, đa phần người dân đều ủng hộ Luật phòng chống tác hại bia, rượu.

Điều này không chỉ bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân khi tham gia giao thông, mà còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giúp nắn dòng tiền ra khỏi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến bia rượu, giúp bảo vệ sức khỏe cho công dân nhằm tăng năng suất lao động, giúp cho bệnh viện không quá tải khi nhận các ca cấp cứu liên quan đến bia, rượu…

Theo các chuyên gia tài chính, mức độ tăng trưởng ngành bia hiện chỉ còn một con số, thay vì hai con số như dự báo trước đó. Cùng với đó là các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia, bao gồm cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi và cấm lái xe sau khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bia. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu cũng là ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức tăng trưởng hai con số như năm 2019, mà chỉ ước đạt khoảng 6%.

SSI đưa ra dự báo, doanh thu trong nay của SAB sẽ đạt khoảng 44.400 tỷ đồng, tăng 10% và lợi nhuận ròng đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Mặc dù lợi nhuận ròng của Sabeco sẽ tăng nhưng cổ phiếu SAB đang được định giá quá cao khi giao dịch với mức P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) là 30 lần so với mức trung bình ngành là 26 lần. Hiện giá cổ phiếu SAB trên sàn HOSE đang giao dịch ở giá 227.000 đồng, giảm khoảng 10% so với đầu năm 2019.

Có thể nói, SAB tăng trưởng mạnh trong những năm qua là nhờ vào “kinh tế vỉa hè” và tập quán tiêu dùng bia rượu thường xuyên của người Việt Nam. Nhưng Luật Phòng, chống tác hại bia, rượu đi vào cuộc sống, sẽ tác động và điều chỉnh tập quán tiêu dùng bia rượu của người dân, thì mục tiêu tăng trưởng sản lượng và doanh thu của SAB sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, theo Quyết định 1092/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sức khỏe Việt Nam, ước tính mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể sẽ tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%...

Xem ra, cổ phiếu SAB sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới!

Theo TieuDung24h