Rợn người khi qua hầm đi bộ nghìn tỷ giữa Thủ đô



Được đầu tư xây dựng hơn nghìn tỉ đồng, nhưng sau vài năm đưa vào sử dụng, hiện hầm đi bộ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) đang trở nên vắng người qua lại và rơi vào tình trạng xuống cấp, rác thải vứt bừa bãi. Thậm chí một số người còn hồn nhiên biến nơi đây thành nhà vệ sinh công cộng.

Công trình nghìn tỉ thành “nhà vệ sinh công cộng”

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở được chính thức đưa vào sử dụng 7/2007, là một công trình hầm đường bộ có quy mô lớn nhất Hà Nội với chiều dài đến 500m, 12 cửa tại 4 góc đường.

Bên trong, hầm có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, máy bơm nước phòng úng lụt cục bộ, máy camera quan sát an ninh, phía trên có nhà vệ sinh và xung quanh có trồng cây xanh… Có thể nói, hầm đi bộ Ngã Tư Sở là một trong những hầm hiện đại so với các hầm đi bộ còn lại tại Hà Nội.

 Hầm đi bộ Ngã Tư Sở được đầu tư nghìn tỉ xuống cấp vắng tanh (Ảnh chụp 9/3/2018)

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở được đầu tư nghìn tỉ xuống cấp vắng tanh (Ảnh chụp 9/3/2018)

Theo ghi nhận của PV ngày 9/3/2018, bên trong hầm đi bộ rất vắng người qua lại, hạng mục hạ tầng đang xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng nhiều chỗ đã hỏng, gạch lát ở cầu thang vỡ, rác thải vứt bừa bãi trong và ngoài. Nhiều người đi qua lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến những hình ảnh xấu xí này.

Hệ thống đèn “thắt nơ” xộc xệch, sẵn sàng rơi xuống đầu người qua lại (Ảnh chụp 9/3/2018)
Hệ thống đèn “thắt nơ” xộc xệch, sẵn sàng rơi xuống đầu người qua lại (Ảnh chụp 9/3/2018)

Nhiều chỗ đèn bị hỏng lâu ngày mà không được sửa chữa. Hệ thống đèn xộc xệch, được buộc lại những mối buộc xơ xài nhưng vẫn gây nguy hiểm cho người qua lại nếu bị rơi xuống.

Nhiều người còn chiếm dụng cửa hầm làm chỗ bán trà đá, bán bánh mì, ngô, khoai nướng,... ngang nhiên trước lối vào hầm đi bộ không những mất vệ sinh mà còn cản trở tới việc đi lại của người dân. Hiện tượng vô ý thức vẽ bẩn lên 2 bên tường của hầm không hề hiếm. Gạch lát bậc cầu thang lên xuống vỡ, bong tróc nhiêù đoạn gây nguy hiểm cho người qua lại. Đã có những người không để ý bị vấp, ngã.

Cửa hầm bị chiếm dụng làm chỗ bán ngô, khoai nướng (Ảnh chụp 9/3/2018)
Cửa hầm bị chiếm dụng làm chỗ bán ngô, khoai nướng (Ảnh chụp 9/3/2018)
Gạch lát bậc cầu thang vỡ, bong tróc (Ảnh chụp 9/3/2018)
Gạch lát bậc cầu thang vỡ, bong tróc (Ảnh chụp 9/3/2018)

Điều đáng nói, không gian hầm đi bộ luôn nồng nặc mùi hôi khai do nhiều người, chủ yếu là thanh niên thiếu ý thức biến nơi đây thành “nhà vệ sinh công cộng”. Rác thải vứt bừa bãi trên những bậc thang. Cửa hầm biến thành nơi tập kết rác thải. Thậm chí, hầm đi bộ tiền tỉ còn biến thành chỗ bán vòng hoa, treo biển quảng cáo.

Ngay cửa hầm là nơi tập kết rác thải (Ảnh chụp 9/3/2018)
Ngay cửa hầm là nơi tập kết rác thải (Ảnh chụp 9/3/2018)
Hầm đi bộ tiền tỉ làm chỗ để bán vòng hoa, treo biển quảng cáo (Ảnh chụp 9/3/2018)
Hầm đi bộ tiền tỉ làm chỗ để bán vòng hoa, treo biển quảng cáo (Ảnh chụp 9/3/2018)

Cần có phương án khắc phục

Thật đáng tiếc khi hầm đi bộ trăm tỉ lại bẩn thỉu, nhếch nhác như thế này. Người dân quanh đây bức xúc, nhiều người còn không dám đi qua hầm vào buổi tối vì thấy ghê rợn, sợ các nhóm hút chích lộng hành.

Đinh Vân Anh, sinh viên năm ba trường Đại học Thủy Lợi cho biết: “Tôi thấy hệ thống đèn điện chiếu sáng ở đây nhiều chỗ không lên, có cái thì gá tạm bợ như sắp rơi, hầm thì vắng người qua lại, nhiều hôm đi qua, cảm giác rất sợ”.

Đường hầm tối, xập xệ gây cảm giác ghê rợn (Ảnh chụp 9/3/2018)
Đường hầm tối, xập xệ gây cảm giác ghê rợn (Ảnh chụp 9/3/2018)

Bác Phạm Văn Bá, người dân sống cạnh đây chia sẻ: “Trước tôi hay tập thể dục chạy bộ ở hầm đi bộ nhưng giờ thì thôi. Mùi hôi và lắm rác thải. Mấy người không có ý thức thì tiểu bậy luôn. Cách đây vài hôm, tôi còn thấy vài thanh niên đi vệ sinh ở hầm".

Các công trình hầm đi bộ có mục đích chính là góp phần tạo nên một hệ thống giao thông văn minh và hiện đại cho Thủ đô. Thực trạng những đường hầm hư hỏng, xuống cấp do công tác quản lý chưa tốt cùng với ý thức tham gia giao thông, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao của người dân cũng là một hình ảnh phản cảm giữa một đô thị đang từng bước được đầu tư hiện đại, văn minh.

Vấn đề đặt ra hiện tại là cần tăng cường tuyên truyền phổ biến sâu rộng cho mọi người hiểu rõ tác dụng để sử dụng phương tiện hầm đường bộ góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Ý thức giữ gìn môi trường công cộng mới có thể giúp cho những công trình như hầm đi bộ được bảo vệ lâu dài.

Bên cạnh đó cần thực hiện Nghị định số 34-CP năm 2010 về quy định xử phạt nặng đối với những trường hợp đi bộ sai luật. Với những bất cập từ nhiều phía, có vẻ như hiệu quả sử dụng hầm đi bộ chưa tương xứng với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà thành phố đầu tư cho những công trình này.

Hi vọng rằng thời gian tới, lãnh đạo Thành phố sẽ quan tâm hơn nữa tới công tác trùng tu hầm đi bộ Ngã Tư Sở cũng như rà soát các hầm đi bộ khác trên địa bàn để người dân không còn quay lưng lại với hầm đi bộ.

Để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua các trục đường lớn, nơi có nhiều xe cộ qua lại, từ năm 2007, TP. Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ. Nhiều nhất là đường vành đai 3 có 17 hầm, 4 hầm ở ngã tư Đường 32 với Đường 70, và 2 hầm còn lại ở Ngã Tư Sở và Đại Cồ Việt.

Hà Lê

Theo GiaDinh