Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam đối mặt sức ép lớn trong đợt dịch thứ ba

Điểm lại và phân tích 3 đợt dịch COVID-19 mà Việt Nam đã và đang trải qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay bước vào đợt dịch thứ 3, chúng ta phải đối mặt với sức ép rất lớn.

Ngày 11/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng Thường trực Ban Chỉ đạo đã tới thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Lãnh đạo các bộ đều khẳng định, ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta, 8 tháng qua các chiến sĩ biên phòng luôn là những người trên tuyến đầu.  

Điểm lại quá trình phòng chống dịch bệnh COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay chúng ta đã trải qua 3 đợt dịch. Đợt đầu tiên khởi phát từ sát Tết Nguyên đán (là ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc) với tổng số 16 ca. Đợt 2, bắt đầu từ ngày 7/3, với ca bệnh xâm nhập từ châu Âu trở về lan ra hơn 124 ca trong cộng đồng. Tất cả các ca đều được chữa khỏi, không có người tử vong.

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-doi-mat-suc-ep-lon-trong-dot-dich-thu-ba

Ảnh: VGP

Sau gần 100 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, đợt dịch thứ 3 bùng phát từ Đà Nẵng (từ ngày 25/7) và chỉ qua hơn 2 tuần, chúng ta đã ghi nhận hơn 400 trường hợp bị lây nhiễm, 16 người tử vong... 

Chúng ta đang phải dồn sức cho Đà Nẵng để dập dịch nhanh nhất có thể, giảm thiểu các ca tử vong, không để dịch bệnh lan rộng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, chúng ta đã xác định phương châm kiểm soát thật chặt để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới và lực lượng trên tuyến đầu chính là Bộ đội Biên phòng.

Đến đợt dịch thứ hai, bên cạnh việc tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên, chúng ta tập trung kiểm soát người nhập cảnh qua đường hàng không. 

Tuy nhiên, bước vào đợt dịch thứ 3, chúng ta phải đối mặt với sức ép rất lớn, không thể "bế quan tỏa cảng", mà phải thực hiện mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam vẫn phải đón các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc.

Chính vì vậy, ngay sau khi ghi nhận ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, "đóng băng" cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương của chúng ta là phát hiện ở đâu, khoanh vùng ở đó, khoanh vùng nhỏ nhất có thể. Bởi nếu tê liệt thì không phát triển được kinh tế, càng lâu dài càng nguy hiểm.

Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, phương châm phòng chống dịch của Việt Nam đến nay không thay đổi: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.  

Tới đây, dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta phải xác định tinh thần "chung sống an toàn với dịch", Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Biên phòng phải tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám chốt.  

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có đường biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tổ chức các tổ công tác gồm nhiều lực lượng hình thành nhiều lớp, quản lý chặt người xuất, nhập cảnh.

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh kiểm soát chặt chẽ những người xuất nhập cảnh cũng như những người cư trú trên địa bàn dân cư, đảm bảo tất cả các đối tượng nhập cảnh vào theo diện chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đều được thực hiện các biện pháp kiểm dịch, cách ly theo đúng quy định.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp lợi dụng chính sách để đưa người nhập cảnh trái phép, nhất là tại các khu công nghiệp; điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Nga công bố phê duyệt vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới, chuẩn bị sản xuất hàng loạt

Ngày 11-8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga đã được đăng ký và sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn tới.

nga-cong-bo-phe-duyet-vacxin-covid-19-dau-tien-tren-the-gioi-chuan-bi-san-xuat-hang-loat

Nga công bố vắcxin COVID-19 ngày 11-8, sớm nhất trên thế giới - Ảnh: TASS

Theo Hãng tin TASS, Tổng thống Vladimir Putin mở đầu cuộc họp chính phủ ngày 11-8 bằng một thông báo đã được mong chờ nhiều ngày qua: Nga đã cho đăng ký vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

"Theo những gì tôi biết, sáng hôm nay lần đầu tiên trên thế giới một loại vắcxin ngừa COVID-19 đã được đăng ký.

Tôi biết vắcxin hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và xin lặp lại, đã vượt qua mọi khâu kiểm định", ông Putin nói đầy tự hào.

Tiếp theo đó nhà lãnh đạo Nga yêu cầu Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông tin thêm chi tiết về phát minh mới cho các thành viên chính phủ.

Trước đó, Bộ trưởng Murashko thông báo loại vắcxin do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển đã hoàn thành mọi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tổng thống Putin nói ông hi vọng cùng với thời gian sẽ có thêm nhiều loại vắcxin chống COVID-19 khác xuất hiện trên thế giới, riêng Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vắcxin nội địa trong thời gian sớm nhất.

Tổng thống Putin cũng thông báo một cô con gái của ông đã được tiêm vắcxin mới và cảm thấy khỏe. Theo lời ông, sau mũi tiêm đầu tiên thân nhiệt cô con gái tăng lên 38 độ C, qua ngày hôm sau giảm còn hơn 37 độ C. 

"Chỉ vậy thôi, sau lần tiêm thứ hai thì thân nhiệt chỉ tăng một chút. Mọi thứ đều ổn, con tôi vẫn thấy khỏe, mức kháng thể trong máu cao", ông Putin mô tả.

Phúc Long

Theo Tuổi trẻ