Phi công "phản pháo" giải thích của Cục Hàng không Việt Nam về việc cho phép Vietjet Air tăng thời gian bay

Trước bức xúc của đông đảo phi công đang làm việc tại Vietjet Air, Cục Hàng không Việt Nam đã giải thích lý do đồng thời chấm dứt thời hạn hiệu lực của nhân nhượng tăng thời gian làm việc cho phi công trong tháng 6/2019.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong ngày 26/6, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin về việc Cục Hàng không Việt Nam cấp nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027, cho phép Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay (phi công) không vượt quá 200 giờ bay.

Về vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Trong quá trình kiểm tra thường xuyên hoạt động của Vietjet Air, Cục Hàng không Việt Nam đã phát hiện một số phi công của hãng có thời gian làm việc vượt quá quy định tại Phần 15 của Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (thời gian bay nhiều hơn 100 giờ trong 28 ngày liên tục). 

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietjet Air xác định nguyên nhân và giải trình toàn bộ các vấn đề liên quan tới thời gian bay của phi công vi phạm quy định.

phi-cong-phan-phao-giai-thich-cua-cuc-hang-khong-viet-nam-ve-viec-cho-phep-vietjet-air-tang-thoi-gian-bay

Trong quá trình kiểm tra hoạt động của Vietjet, Cục Hàng không Việt Nam đã phát hiện một số phi công của hãng có thời gian làm việc vượt quá quy định. Ảnh: Lê Anh

Ngày 15/6/2019, Vietjet Air đã có công văn số 821-19/VJC-SSQA giải trình nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm nêu trên xuất phát từ việc chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS) nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cập nhật tại Phần 15 của Bộ Quy chế, nhưng chưa cập nhật kịp thời các dữ liệu liên quan tới thời gian làm việc của phi công.

Trong khi tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên và để đảm bảo tốt nhất kế hoạch khai thác bay, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng, Vietjet Air đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp nhân nhượng tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo phi công không vượt quá 200 giờ bay trên cơ sở đánh giá rủi ro an toàn của VJC đảm bảo mức an toàn tương đương.

phi-cong-phan-phao-giai-thich-cua-cuc-hang-khong-viet-nam-ve-viec-cho-phep-vietjet-air-tang-thoi-gian-bay

Trong trường hợp nhà điều hành áp dụng các quy định quản lý mệt mỏi theo quy định cho một phần hoặc toàn bộ hoạt động của mình, Nhà nước của Nhà điều hành có thể phê duyệt, trong các trường hợp đặc biệt, thay đổi các quy định này trên cơ sở đánh giá rủi ro do nhà điều hành cung cấp. Các biến thể được phê duyệt sẽ cung cấp một mức độ an toàn tương đương, hoặc tốt hơn, đạt được thông qua các quy định quản lý mệt mỏi theo quy định. Như vậy, việc Cục Hàng không Việt Nam cho phép Vietjet tăng thời gian biên độ làm việc lên 110 giờ/28 ngày đi ngược với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).

Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027 cho phép Vietjet Air tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay không vượt quá 200 giờ bay. Điều kiện nhân nhượng này chỉ áp dụng đối với những phi công đảm bảo không vượt quá 110 giờ bay trong 28 ngày trước đó và phải đáp ứng các điều kiện đó trong 12 tháng liên tục vừa qua không bị dừng bay vì lý do sức khỏe và trong 12 tháng liên tiếp không vi phạm an toàn đến mức phải dừng bay hoặc áp dụng chế tài (theo đánh giá rủi ro an toàn tương đương của Vietjet Air).

Vì vậy, việc Cục Hàng không Việt Nam ban hành nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027 đối với Vietjet Air là hoạt động thực tiễn áp dụng cho tất cả các Hãng hàng không Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn an toàn bay trên cơ sở đảm bảo năng lực đánh giá mức độ an toàn tương đương.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hiện nay Cục tiếp tục tiến hành làm rõ nguyên nhân việc Vietjet Air để một số phi công làm việc vượt mức quy định tại Phần 15 và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tái diễn.

phi-cong-phan-phao-giai-thich-cua-cuc-hang-khong-viet-nam-ve-viec-cho-phep-vietjet-air-tang-thoi-gian-bay

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã phê chuẩn yêu cầu nhân nhượng cho phép phi công tăng thời gian bay của Vietjet.

Để đảm bảo an toàn khai thác trong thời gian áp dụng nhân nhượng, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai đội ngũ giám sát viên an toàn thực hiện giám sát chặt chẽ và liên tục toàn bộ hoạt động khai thác bay của Vietjet Air và sẽ chấm dứt thời hạn hiệu lực của nhân nhượng trong tháng 6/2019.

Ngày 27/6, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện nhóm phi công VietJet bày tỏ sự vui mừng trước thông tin Cục Hàng không Việt Nam sẽ chấm dứt thời hạn hiệu lực của nhân nhượng trong tháng 6/2019. 

“Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), thời gian bay và khoảng thời gian làm nhiệm vụ của từng thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay không vượt quá 100 giờ bay trên 28 ngày. Nghĩa là Cục Hàng không Việt Nam được phép thay đổi ví dụ như 95 giờ hay 90 giờ/28 ngày bay để tốt hơn. 

Còn việc chấp thuận đề nghị của Vietjet cho phép tăng giờ bay lên 110 giờ/28 ngày ép buộc tổ bay tăng tần suất làm việc là uy hiếp an toàn bay”, một cơ trưởng chia sẻ.

"Những quy định của Luật Hàng không Quốc tế cũng chỉ rõ đơn vị quản lý có thể phê duyệt, thay đổi các quy định từ đề xuất của hãng bay nhưng trên cơ sở đánh giá mức độ an toàn tương đương, hoặc tốt hơn chứ không thể làm tệ đi”, một phi công khác phản biện giải thích của Cục Hàng không Việt Nam.

Trước đó, từ tuần cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2019, nhiều phi công của Vietjet Air đồng loạt từ chối bay nếu quá giờ. Một số phi công của hãng này đã có phản ứng gay gắt dẫn tới tình trạng hàng loạt chuyến bay của Vietjet bị hủy hoặc chậm chuyến kéo dài tại nhiều sân bay.

Phi công Vietjet Air cũng đề nghị Cục Hàng không giám sát chặt chẽ quy trình huấn luyện của Vietjet Air, đặc biệt với phi công nước ngoài. Ngoài ra cần phải áp dụng nghiêm túc Var 15 - quản lý mệt mỏi cho Vietjet Air và tất cả các hãng khác nhằm bảo đảm an toàn hàng không.

Theo GiaDinh