Phi công bức xúc trước việc Cục Hàng không Việt Nam cho phép bay quá giờ

Theo Luật Hàng không Thế giới cũng như Bộ quy chế An toàn hàng không, thời gian bay của từng thành viên tổ bay không vượt quá 100 giờ/28 ngày liên tục bất kỳ, thế nhưng, mới đây Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý cho phi công Vietjet bay quá thời gian quy định gây ra nhiều bức xúc.

Ngày 26/6, phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội, đại diện một nhóm phi công đang làm việc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) cho biết, trong thời gian vừa qua, có những phi công đã phải làm việc quá tải.

phi-cong-buc-xuc-truoc-viec-cuc-hang-khong-viet-nam-cho-phep-bay-qua-gio

Văn bản xin tăng giờ bay lên 110 giờ trong 28 ngày của Vietjet và được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận

Tuy nhiên, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản phê chuẩn chấp thuận nội dung nhân nhượng cho phi công của Vietjet được phép áp dụng giới hạn thời gian bay, thời gian nghỉ ngơi của khung thời gian 56 ngày liên tục. Nghĩa là trong 56 ngày liên tục thời gian bay của phi công không được quá 200 giờ bay và trong 28 ngày gần nhất không được bay quá 110 giờ.

Nội dung nhân nhượng trên được áp dụng cho các phi công thỏa mãn điều kiện như sau: Trong 12 tháng liên tục phi công không bị dừng bay vì lý do sức khỏe, trong 12 tháng liên tiếp không vi phạm đến mức phải dừng bay. Thời hạn áp dụng nội dung nhân nhượng trên là từ ngày 16/6/2019 đến 10/8/2019.

phi-cong-buc-xuc-truoc-viec-cuc-hang-khong-viet-nam-cho-phep-bay-qua-gio

Nhiều phi công của Vietjet bức xúc trước việc hãng này tăng giờ bay và lo ngại uy hiếp an toàn bay.

Trong khi đó, tại Điều 15.027, Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay quy định: Thời gian bay và khoảng thời gian làm nhiệm vụ của từng thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay không vượt quá: 100 giờ bay trên 28 ngày liên tục bất kỳ; 1.000 giờ bay trong 12 tháng liên tục bất kỳ.

Còn theo Luật Hàng Không thế giới của tổ chức ICAO (Tổ chức Hàng không Thế giới) cũng nêu rõ: Thời gian bay và khoảng thời gian làm nhiệm vụ của từng thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay không vượt quá 100 giờ bay trên 28 ngày; 1.000 giờ bay trên 365 ngày liên tục và 900 giờ bay trong 1 năm dương lịch.

“Việc nhân nhượng của Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận phi công Vietjet bay tăng giờ là chưa từng có tiền lệ, phá vỡ mọi quy định dành cho thành viên tổ bay cũng uy hiếp an toàn bay. Trên 90% tai nạn hàng không là do con người – cụ thể là phi công khi làm việc trên mức tối đa làm tăng tỉ lệ sai lầm”, một phi công VietJet bày tỏ.

phi-cong-buc-xuc-truoc-viec-cuc-hang-khong-viet-nam-cho-phep-bay-qua-gio

Tổ chức Hàng không Thế giới quy định thời gian bay của từng thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay không vượt quá 100 giờ bay trên 28 ngày

Một cơ trưởng làm việc lâu năm tại VietJet cũng nêu quan điểm: "Nếu Chính phủ, Bộ GTVT không can thiệp, cảnh báo trước quyết định của Cục Hàng không Việt Nam và VietJet thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Lúc đó ai là người chịu trách nhiệm?"

Theo phản ánh, trước tần suất làm việc cao, một số phi công của hãng này đã có phản ứng, dẫn tới tình trạng nhiều chuyến bay của Vietjet bị hủy hoặc chậm chuyến.

“Bắt đầu từ tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7, sẽ có những phi công của Vietjet Air từ chối bay nếu quá giờ, kể cả Cục Hàng không có cho phép bay đến 110 giờ. Chúng tôi chỉ chấp nhận bay dưới 100 giờ/28 ngày theo đúng luật vì bằng lái của phi công nước ngoài còn phải khai báo cho Cục Hàng không nơi họ đăng ký như EASA, FAA và sẽ bị mất bằng nếu sai phạm”, một phi công của Vietjet chia sẻ thêm.

phi-cong-buc-xuc-truoc-viec-cuc-hang-khong-viet-nam-cho-phep-bay-qua-gio

Tại Điều 15.027 Bộ Quy chế an toàn hàng không cũng nêu rõ thời gian bay không vượt quá 100 giờ bay trên 28 ngày liên tục bất kỳ.

Trước đó, liên quan đến tình trạng hàng loạt chuyến bay của Vietjet bị hủy hoặc chậm chuyến kéo dài tại nhiều sân bay, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi bộ GTVT về kết quả kiểm tra đối với hãng hàng không Vietjet, đã cho thấy việc Vietjet chậm, hủy nhiều chuyến bay từ ngày 14/6 do thiếu phi công.

Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Kết quả kiểm tra, Cục Hàng không Việt Nam phát hiện một số trường hợp phi công của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ đã nắm được thông tin và đang liên hệ làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về vụ việc này và sẽ công bố khi có thông tin chính thức.

Theo GiaDinh