Phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Vào ngày 06/8/2020, Đội QLTT số 1 phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đồng Tháp nhận được nguồn tin báo của người dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm Hải Đăng Quang, địa chỉ: Tổ 1, đường ĐT 848, ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Xác minh nguồn tin, Đội QLTT số 1 phối hợp cùng Công an thành phố Sa Đéc tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thực phẩm Hải Đăng Quang, địa chỉ nêu trên do ông Vũ Hải Đăng, sinh năm 1992 làm chủ cơ sở.

phat-hien-co-so-kinh-doanh-thuc-pham-dong-lanh-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

 Đội QLTT số 1 đang kiểm tra tại kho đông lạnh cơ sở Hải Đăng Quang

Qua kiểm tra Đội QLTT số 1 đã phát hiện 416 kg thực phẩm đông lạnh gồm thịt trâu, thịt heo, sụn gà, mề gà, thịt heo rừng, lườn cá hồi, khoai tây hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt có giá trị 16.937.000 đồng và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá trị 24.714.000 đồng.

Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hành vi với tổng số tiền phạt là 14.750.000 đồng và tịch thu 178 kg sụn gà, thịt heo, lườn cá hồi.

Nói tới thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, các chuyên gia về thực phẩm cho biết, người tiêu dùng không thể biết hết được chất lượng của các loại thực phẩm này ra sao bởi chúng không được đưa đi kiểm nghiệm.

Không thể biết được người sản xuất, vận chuyển có sử dụng chất bảo quản, phụ gia, hóa chất nằm trong danh mục cấm sử dụng để bảo quản hay chế biến thực phẩm hay không? Do đó một khi ăn phải các loại thực phẩm nhập lậu này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Do vậy khi mua hàng, người tiêu dùng phải có cảm quan, xem xét xác suất một vài mặt hàng cùng loại định mua để có sự so sánh. Đặc biệt, không nên mua và sử dụng hàng hóa là thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng để bảo đảm sức khỏe.

Đặc biệt đối với thịt lợn, Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay ở các nước xung quanh Việt Nam, dịch tả heo châu Phi vẫn đang xảy ra. Trong khi đó thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển thịt lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp.

Việc vận chuyển, buôn bán thịt lợn nhập lậu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với hoạt động chăn nuôi ở nước ta nói chung, như làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh heo và sản phẩm từ heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Do đó cần kiểm soát tình hình nhập lậu heo qua biên giới nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào nước ta, tránh gây nhiều hệ lụy xấu cho ngành chăn nuôi.

Theo VietQ