Ô nhiễm không khí trong chính ngôi nhà bởi những thứ mà bạn không ngờ tới

Nấu ăn, bật lò vi sóng, hút thuốc... có thể là những hoạt động khiến ngôi nhà của bạn chính là nguồn gây ô nhiễm không khí mà gia chủ không hề biết.

Theo nghiên cứu về sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ EPA, nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà có thể cao hơn 2 - 5 lần so với ngoài trời, thậm chí có thể cao hơn.

Nguồn chính gây ô nhiễm trong nhà là bụi thông thường. Khảo sát tại Mỹ cho thấy cứ 6 phòng trong ngôi nhà (tổng diện tích khoảng 450m2) sẽ "thu" được tới 18kg bụi/năm.

Công bố của EPA mới đây cũng cho thấy, bụi và nhiều loại vi khuẩn gây hại ẩn chứa ở rất nhiều nơi không ngờ đến trong nhà: Trên bề mặt các vật dụng, trong các sợi cotton trong gối, chăn, tấm trải giường, trong không khí, được sản sinh ngay cả từ bếp nướng, khói thuốc hay sự thiếu thông hơi trong ngôi nhà...

Ngoài ra, bụi còn tích tụ ở lông vật nuôi, côn trùng, thức ăn, phấn hoa, bào tử, nấm mốc…

Khói thuốc lá cũng là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng tại nhà. Ở những nhà có người lớn hút thuốc, không khí độc hại đến mức trẻ em sẽ có nguy cơ rất cao bị hen suyễn, viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản; còn người già có nguy cơ bị chứng mất trí.

o-nhiem-khong-khi-trong-chinh-ngoi-nha-boi-nhung-thu-ma-ban-khong-ngo-toi

Ô nhiễm không khí trong chính ngôi nhà của bạn có thể đến từ: Bọ, lông, bụi bẩn từ thú nuôi; Virus, vi khuẩn; Không khí ô nhiễm từ bên ngoài thâm nhập vào nhà; Nấm mốc. Ngoài ra, các vật dụng có thể gây ra các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) như: máy in trong phòng làm việc, khí gas phòng bếp, khói thuốc, hoá chất tẩy rửa trong phòng tắm, thảm trong phòng ngủ, nước lau nhà...

Amiăng và bụi từ gác mái; các hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ bay hơi có trong sơn, dung môi, chất tẩy rửa, nước xịt phòng… đều có thể là nguồn gây ô nhiễm...

Mới đây, PGS.TS Trần Ngọc Quang (Đại học Xây dựng) cùng cộng sự đã công bố nghiên cứu về tác động giữa ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà.

Nhóm nghiên cứu chọn 6 điểm đo ở ngoài trời và 6 điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội (Linh Đàm - 2 điểm, Nguyễn Khoái, Bưởi, Pháp Vân và Dương Nội). Kết quả cho thấy, tại 6 điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000-31.000 hạt/cm3.

Nồng độ này tương đương với kết quả quan trắc trung bình của bụi mịn ở Bắc Kinh vào năm 2014 (30.000 hạt/cm3). Trong đó, điểm đo Linh Đàm có giá trị cao hơn hẳn các nơi khác. Nguyên nhân được cho là Linh Đàm gần đường vành đai 3 - nơi có mật độ giao thông lớn.

Còn hàm lượng bụi siêu mịn trong nhà ở 6 điểm đo bằng khoảng một nửa so với ngoài trời, tùy thuộc vào địa điểm.

Điều bất ngờ được nhóm nghiên cứu đưa ra là, bên cạnh nguyên nhân do bụi từ bên ngoài, bụi trong nhà còn phát sinh từ các hoạt động của gia đình, đặc biệt là hoạt động nấu ăn.

Theo đó, tại một điểm đo, có thời điểm nồng độ bụi còn cao hơn ngoài trời. Lý do là thời điểm đó, chủ nhà rang lạc, nấu ăn. Hoạt động này cũng góp phần tạo ra bụi siêu mịn.

Ngoài hoạt động nấu ăn, sử dụng bếp gas, lò vi sóng, nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà còn có thể đến từ việc mở cửa để thông gió tự nhiên cũng khiến bụi siêu mịn xâm nhập vào gia đình. Nhà càng nhiều thiết bị điện tử và đồ cơ điện thì ô nhiễm bụi siêu mịn càng cao.

Theo GiaDinh