Nữ sinh bị bạn đánh vì...quá ngoan: So sánh "con nhà người ta" hại cả hai

Cho rằng bị la mắng, mang ra so sánh với “con nhà người ta”, nên N.N.L (Thanh Hóa) đã đánh bạn gần nhà, nhờ người quay clip tung lên mạng xã hội.

Liên quan đến việc nữ sinh ở Thanh Hóa bị bạn đánh dã man khi đập mũ bảo hiểm vào đầu, dùng tay, dép tát liên tiếp vào mặt trong đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội vào tối 26/10, thông tin bước đầu cho thấy, nữ sinh bị đánh là em Đ.N.H, đang học lớp 10 Trường THPT Nga Sơn (Thanh Hóa). Người xuất hiện trong clip cầm mũ bảo hiểm đánh bạn là N.N.L, hàng xóm của H. Cả hai cùng học với nhau từ lớp 1 đến lớp 9, nhưng hiện L không đi học nữa.

Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc 2 người mẹ của em H và L ở cùng xóm nên nói chuyện với nhau về con của mình. Mẹ H khen con của mình chăm ngoan với mẹ của L. Về nhà, mẹ của L đã lấy H ra để so sánh là ngoan hơn con mình. Cho rằng vì bạn mà mình bị la mắng nên vào ngày 26/10, khi H đang trên đường đi học thì L nhờ H chở đi đến khu vực sân vận động huyện rồi đánh H.

nu-sinh-bi-ban-danh-vi-qua-ngoan-so-sanh-con-nha-nguoi-ta-hai-ca-hai

Nữ sinh bị đánh chỉ vì được làm ví dụ cho "con nhà người ta". Ảnh cắt từ clip

Dù sự việc vẫn đang được cơ quan chắc năng làm rõ song câu chuyện cũng đã gây nhiều tranh cãi về chuyện người lớn khoe con, cũng như so sánh con mình với con nhà người khác, vô tình tạo áp lực, thậm chí căm ghét trong lòng con trẻ.

Trên thực tế, không ít cha mẹ luôn so sánh con mình với "con người ta" vì nghĩ rằng lấy tấm gương cụ thể như thế để trẻ có động lực phấn đấu và tiến bộ. Tuy nhiên, câu cửa miệng của phụ huynh luôn là "Con người ta thế này, con người ta thế nọ…" khiến nhiều học sinh ngán ngẩm, không muốn phấn đấu. 

Chỉ ra thực trạng hiện nay cả giáo viên lẫn học sinh đều bị áp lực bởi mong muốn từ phụ huynh có phần khắt khe, bà Phan Thị Hồ Điệp - Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Tôi từng chứng kiến cảnh ở cổng trường, phụ huynh tra khảo điểm số của con rồi tức giận, xé bài thi khi con bị điểm kém… Ngoài kỳ vọng con học giỏi, nhiều phụ huynh cũng thường hay áp đặt sở thích của mình lên con trẻ, so sánh với con nhà người khác khiến đứa trẻ bị áp lực. 

Dần dần họ dạy con trong áp đặt, uy quyền khiến học sinh bị sợ hãi, dần mất đi tiếng nói, chính kiến của mình và chúng đến trường chỉ để đạt được kỳ vọng của cha mẹ. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy".

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh hay khoe thành tích học tập của con, khoe con ngoan ngoãn… Nếu trẻ biết được lời khen sẽ dễ ảo tưởng bản thân. Con việc so sánh với "con nhà người ta" chỉ khiến cho đứa trẻ cảm thấy tự ti, không còn làm bất cứ điều gì theo ý bố mẹ.

Thậm chí, trẻ sẽ "nổi loạn" bằng cách làm ngược lại điều bố mẹ mong muốn, bỏ nhà ra đi, nghĩ đến các chuyện tiêu cực khác như trả đũa lại người được mang ra so sánh… Việc so sánh con với mình ngày xưa, hoặc những đứa trẻ khác xung quanh tưởng chừng là kích thích con cố gắng nhưng sự thật lại là một sai lầm. Không có cha mẹ nào cố ý làm cho con mình lo lắng hay ghen tị, nhưng vô tình cách bạn so sánh có thể mang tới những suy nghĩ lệch lạc của trẻ.

Còn theo NGƯT Đặng Đình Đại - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội): "Khi đi học, nhiều học sinh vô tình trở thành "trung tâm" của sự trêu trọc, bắt nạt, thậm chí là tẩy chay, trong đó có cả việc học giỏi hay được ưu ái nào đó… Bởi vậy, giáo viên cần nắm bắt vấn đề để xử lý sự việc trong phạm vi trường học, giúp đỡ học sinh trong những trường hợp đó. 

Các phụ huynh cần chung tay, không nên áp đặt thành tích học tập lên con cái, hoặc mang ra so sánh. Hãy tìm cách gần gũi con cái, quan sát các biểu hiện của con, chia sẻ, động viên con, tránh những suy nghĩ bồng bột, tiêu cực của con".

Theo GiaDinh