Những việc cần làm ngay khi bị chó cắn để tránh bệnh dại

Việc sơ cứu khi bị chó cắn là cực kỳ quan trọng cần làm ngay để tránh lây bệnh.

Bệnh dại do chó cắn có tỉ lệ tử vong 100%

Thời gian gần đây, liên tiếp là những trường hợp bị chó cắn thương tâm. Đáng báo động là ngoài những tổn thương do bị chó cắn ra thì cụ thể là nguy cơ mắc bệnh dại gây đe dọa trực tiếp đến tính mạng nạn nhân.

Theo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vắcxin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Do vậy, việc sơ cứu ban đầu đối với người bị chó cắn là vô cùng quan trọng, chỉ cần thực hiện tốt bước sơ cứu ban đầu này, người bị chó cắn sẽ giảm được 50% nguy cơ nhiễm bệnh dại từ động vật. 

nhung-viec-can-lam-ngay-khi-bi-cho-can-de-tranh-benh-dai

Khi bị chó cắn nếu không xử lý đúng cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng (Ảnh minh họa)

Các bước cần làm khi bị chó cắn

Vệ sinh vết thương

Vệ sinh vết cắn là vô cùng quan trọng, nếu bạn xử lý không đúng rất có thể làm tăng thêm nguy hiểm cho bản thân mình. Khi bị chó cắn, bạn cần thực hiện vệ sinh vết thương theo các bước sau:

Đầu tiên, bạn phải tách rời phần quần, áo ra khỏi vị trí vết cắn. Nếu vết cắn ở chân thì bạn có thể xắn quần lên hoặc dùng kéo cắt bỏ phần vải ngay vết cắn. Thao tác này sẽ giúp hạn chế nước bọt của chó còn dính trên vải quần, làm bám nhiều hơn vào vết thương.

Sau đó bạn phải nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Dùng nước ấm thì càng tốt. Bạn có thể sử dụng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng để rửa vết thương. Lưu ý, tránh chà sát quá mạnh sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra và băng bó vết thương

Sau khi vệ sinh sạch sẽ vết cắn xong thì lúc này bạn cần kiểm tra lại xem tình trạng vết cắn nặng nhẹ thế nào. Nếu chỉ là vết xước ngoài da hoặc vết thương nhỏ thì bạn có thể tự băng bó tại nhà.

Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp sau thì bạn cần phải đến bệnh viện để điều trị hiệu quả hơn: vết cắn sâu trên 2cm, vết cắn ở vùng đầu và cổ, sau 15 phút mà vết thương không cầm máu hay có quá nhiều vết cắn ở nhiều chỗ,…

Tiêm phòng dại

Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn. Đồng thời thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn.

nhung-viec-can-lam-ngay-khi-bi-cho-can-de-tranh-benh-dai

Ngay sau khi bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để nhận sự giúp đỡ từ bác sĩ (Nguồn: Vnexpress)

Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay để nhận sự giúp đỡ.

Những điều tuyệt đối không được làm sau khi bị chó cắn

- Không dùng thuốc Nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.

-  Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.

- Không thử dại bằng Đông y.

- Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

- Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương.

Theo GiaDinhVietNam