Những trường hợp nào được hỗ trợ tiền mặt do ảnh hưởng dịch COVID-19?

Thủ tướng nêu rõ, việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần như một chiếc lò xo bị nén, chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm.

Trong phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào chiều 1/4 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

“Việc hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần như một chiếc lò xo bị nén, chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng. Nếu dịch bệnh tiếp tục thì việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế”.

Thủ tướng nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19.

nhung-truong-hop-nao-duoc-ho-tro-tien-mat-do-anh-huong-dich-covid-19

 Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc cả người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực. Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.

Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.

Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Chi tiết dự thảo Nghị quyết thực hiện gói chính sách an sinh xã hội Thủ tướng đề cập hôm 31/3 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình bày tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 1/4. Theo đó, tổng gói hỗ trợ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dự kiến khoảng 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).

Trong đó, 52.000 tỷ sẽ chi cho 6 đối tượng khó khăn trong tháng 4, 5, 6. Khoản này được lấy từ ngân sách Nhà nước (khoảng gần 36.000 tỷ,) Ngân hàng Chính sách (16.200 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp khoảng 9.500 tỷ đồng.

Cụ thể: 6 đối tượng hưởng gói hỗ trợ 52.000 tỷ đồng gồm:

Người có công với cách mạng: được hỗ trợ thêm 500.000 đồng một tháng (ngoài khoản tiền đang được nhận - hơn 1,13 triệu đồng).

Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia: nhận 1 triệu đồng.

Lao động bị tạm nghỉ do doanh nghiệp khó khăn bởi Covid-19: nhận 1,8 triệu đồng.

Doanh nghiệp có lao động ngừng việc trong 3 tháng: được vay lãi suất 0% để trả lương (vay không quá 12 tháng) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Số tiền lương trong thời gian ngừng việc còn lại, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trả. Hạn mức vay tối đa 50% theo lương tối thiểu vùng.

Lao động bị buộc thôi việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng.

Hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm ngừng kinh doanh: được hỗ trợ 1 triệu đồng một tháng. 

Với gói hỗ trợ đặc thù, doanh nghiệp được dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng khi có một nửa lao động phải nghỉ việc. Chủ doanh nghiệp cũng nhận hỗ trợ 1 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, nâng cao trình độ nghề, nhằm duy trì việc làm cho người lao động trong 3 tháng.

Theo VietQ