Những loại dầu ăn 'độc hại' không tưởng cần tránh xa

Dầu ăn là sản phẩm không thể thiếu trong quá trình chế biến thực phẩm. Tuy nhiên nếu sử dụng dầu ăn sai cách cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Dầu ăn giá rẻ kém chất lượng

Với mức sống ngày càng được cải thiện, nhiều bệnh tật đã bắt đầu xuất hiện phổ biến hơn, đặc biệt là các bệnh mãn tính như nhồi máu não, các triệu chứng ban đầu đặc biệt không rõ ràng, thường tấn công đột ngột vào giai đoạn giữa và cuối.

Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ dễ mất mạng, dù được cấp cứu kịp thời cũng dễ để lại di chứng nặng nề, không chỉ gây gánh nặng lớn về kinh tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một trong những nguyên nhân này chính là sử dụng thực phẩm không an toàn và sai cách, trong số đó phải kể tới dầu ăn giá rẻ, kém chất lượng.

Một người tiêu dùng Trung Quốc tên là Tiểu Trương luôn cảm thấy mình không có cảm giác thèm ăn, thậm chí không thể ăn nổi vài miếng sườn heo kho dù đó vốn là món ăn yêu thích của anh. Vì nghĩ rằng mình có thể bị bụng dạ không tốt nên Tiểu Trương định đi siêu thị mua một ít cháo kê để bồi bổ dạ dày.

Lại thêm vào độ giáp Tết, tính chuyện dành dụm ít tiền cho gia đình nên anh không đến bệnh viện khám, 2 ngày sau, cả nhà 3 người của Tiểu Trương đều không ăn được gì, không muốn ăn, vì vậy gia đình càng trở nên lo lắng.

nhung-loai-dau-an-doc-hai-khong-tuong-can-tranh-xa

Sử dụng dầu ăn sai cách tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa 

Cuối cùng, gia đình Tiểu Trương đã quyết định đi khám sức khỏe. Kết quả kiểm tra bất ngờ phát hiện Tiểu Trương có một số lượng lớn cục máu đông trong não, có dấu hiệu của một cơn nhồi máu não nhẹ, đồng thời phát hiện có cục máu đông trong đầu của vợ và con gái anh. Tin dữ này như sét đánh, xé tan mọi suy nghĩ về một cái Tết sum vầy của gia đình nhỏ này.

Lúc này, Tiểu Trương đặc biệt khó hiểu, tại sao gia đình anh lại có thể đồng thời bị nhồi máu não? Sau khi nói chuyện với bác sĩ, Tiểu Trương phát hiện ra rằng chính một thứ trong căn bếp đã làm hại tất cả thành viên trong gia đình, thủ phạm là dầu ăn.

Được biết, nửa năm nay hết dầu ăn ở nhà nên Tiểu Trương định đi chợ mua dầu thì thấy một người bán hàng rong bán dầu rất rẻ, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình không được tốt nên anh ham rẻ, mua luôn 2 can lớn để dùng dần.

Về đến nhà, anh liền lấy dầu mới mua bắt đầu xào, tuy rằng ngửi dầu thấy có chút mùi kỳ quái, nhưng dù sao cũng là tốn tiền mua về nên cả nhà Tiểu Trương cũng vẫn cứ ăn loại dầu này suốt nửa năm qua.

Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, bác sĩ phát hiện ra rằng hóa ra gia đình Tiểu Trương đã ăn phải dầu thải, dầu đã qua chế biến nhiều lần, ăn lâu ngày dễ dẫn đến tăng lipid máu, một lượng lớn lipid đọng lại trong mạch máu và dễ hình thành huyết khối. Một khi nó chảy đến động mạch não, mạch máu bị tắc nghẽn dễ sinh ra bệnh nhồi máu não.

Bên cạnh đó, loại dầu này sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ thể con người, dẫn đến ăn không ngon. Nguyên nhân chủ yếu là do chất malondialdehyde có trong nó phản ứng với protein trong cơ thể người tạo thành cấu trúc protein, tế bào bất thường và hình thành nên bệnh.

Dầu thải, dầu đã qua chế biến nhiều lần

Chất béo trung tính trong dầu sẽ bị thay đổi cấu trúc do tác động của nhiệt độ cao từ quá trình chế biến nhiều lần, và các thành phần có lợi cho sức khỏe chẳng hạn như axit béo không bão hòa và vitamin E cũng sẽ trở thành thủ phạm chính gây tổn hại sức khỏe.

Vì vậy, tốt hơn hết nên hạn chế lượng dầu thừa sau mỗi lần nấu nướng. Đối với dầu thừa mà gia đình nấu thì tốt hơn nên dùng hết càng sớm càng tốt và không nên ăn nhiều lần. Tuyệt đối không chọn mua hay tiêu thụ những loại dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, có mùi vị hoặc màu sắc lạ bởi nó rất có thể là dầu thải loại.

Dầu lưu trữ quá lâu

Nếu dầu ăn không được bảo quản cẩn thận mà lưu trữ quá lâu, nó sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, đặc biệt nó sẽ trở thành ổ chứa độc tố aflatoxin.

Đây là chất độc gây ung thư hàng đầu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo từ lâu, chỉ cần ăn phải 1mg chất này thì bạn sẽ có nguy cơ mắc các loại bệnh ung thư khác nhau, đặc biệt là ung thư gan, nếu ăn phải 20mg aflatoxin nguy cơ tử vong sẽ tăng cao.

Vì vậy, nếu chỉ dùng dầu cho nhu cầu gia đình, thay vì chọn các chai dầu lớn để tiết kiệm tiền, mọi người nên tiêu thụ những chai dầu nhỏ để tiêu thụ hết nhanh hơn và nhớ là bảo quản ở nơi khô ráo, tránh nấm mốc phát triển.

Dầu tự ép

Nhiều người cho rằng, dầu tự ép làm bằng tay sẽ tốt và an toàn hơn so với các loại dầu đóng chai. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Nhiều loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó, vào năm 2019, Quản lý thị trường Trung Quốc phát hiện 23 lô thực phẩm không đạt tiêu chuẩn trong đó có 2 loại dầu ăn. Theo kết quả kiểm tra mẫu, loại dầu lạc sản xuất tại một cơ sở ở tỉnh Quý Châu có chứa lượng aflatoxin là 265μg/kg - gấp hơn 12 lần tiêu chuẩn là 20μg/kg.

Trong khi đó, dầu mè sản xuất tại một xưởng ở tỉnh An Huy, số benzo(a)pyrene trong dầu mè là 37,0μg/kg, gấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn là 10μg/kg. Aflatoxin và benzo(a)pyrene đều là chất gây ung thư mạnh khi vượt quá mức quy định.

Nguyên nhân khiến dầu tự ép không an toàn với người sử dụng có thể bắt nguồn từ nguyên liệu không đảm bảo. Để giảm giá thành, các cơ sở sản xuất nhỏ có thể dùng nguyên liệu giá rẻ, quá trình bảo quản không tốt khiến chúng bị mốc, hỏng và sinh ra chất độc.

Trong quá trình tự ép, các tạp chất có hại trong dầu như aflatoxin, phospholipid và dư lượng thuốc trừ sâu không được loại bỏ khỏi sản phẩm. Bên cạnh đó, dầu tự ép nếu không được bảo quản đúng cách cũng sẽ sinh ra các chất độc hại.

Theo VietQ