Những dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm

Trầm cảm là bệnh về tâm lý, người bệnh có trạng thái chán nản, buồn rầu, mặc cảm thua kém, ăn ngủ không ngon, không có hứng thú với cuộc sống, học hành, làm việc...

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa bởi từ các dấu hiệu, họ thường đến bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm

Trung bình mỗi ngày Viện Sức khỏe Tâm thần có khoảng 50 bệnh nhân khám và điều trị trầm cảm. Ảnh minh họa

Ngay tại Mỹ, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy ở quốc gia này có khoảng 17.6 nghìn người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị.

Chỉ có khoảng 20% những bệnh nhân này được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ.

TS. Tâm cảnh báo những dấu hiệu mỗi người cần lưu ý như: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên; luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm việc gì; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. 

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa… 

Tuy nhiên, nếu xuất hiện 3 triệu chứng điển hình sau đây thì bạn nên lưu ý và tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Đó là: Khí sắc giảm (luôn ủ dột, u sầu, chán chường); giảm ham thích so với trước đây (trước đây thích shopping, buôn dưa lê, xem phim nay cũng không thích thú); giảm năng lượng, dễ mệt mỏi (trước đây nói chuyện cả ngày không sao, nay vài phút thấy mệt mỏi).

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến, nhưng chỉ có tỷ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Rối loạn trầm cảm có thể chữa được để bệnh nhân ổn định, tái hòa nhập với xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh và từ cộng đồng.

Tại BV Bạch Mai, TS Tâm cho biết khoa ông có sự phối hợp rất chặt chẽ với Trung tâm chống độc, thường xuyên đón bệnh nhân ngộ độc vì tự tử sang điều trị. Rất nhiều trong số bệnh nhân trầm cảm tìm đến cái chết vì họ không cố vượt qua được nỗi buồn, cảm giác không muốn sống.

“Sau một thời gian dài rơi vào trạng thái suy giảm trí nhớ (bệnh nhân hầu như không nhớ gì, nhầm lẫn nhiều), trống rỗng, buồn chán, rối loạn giấc ngủ, ăn uống suy giảm… Bệnh nhân luôn cố vượt qua nỗi buồn chán, nhưng cố mãi không được, họ nghĩ đến cái chết cho xong. Cố mãi, cố mãi và không vượt qua được, cuối cùng bệnh nhân tự sát thật”, TS Tâm nói.

Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, và cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh, từ phía cộng đồng.

Bản thân người bệnh cũng hãy chủ động trò chuyện với những người thân xung quanh khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm để được giúp đỡ, tìm kiếm khả năng chống đỡ với những áp lực, vấn đề họ đang gặp phải dẫn đến trầm cảm.

Theo doanhnghiepvn