'Nhờn' đồng hồ fake...

Có phải nhiều người Việt đã quá “dễ dãi” đeo trên tay những chiếc đồng hồ fake, rồi chính mình lại chỉ biết “cười trừ” khi đọc được những bài báo với dòng tít như “Đồng hồ hàng hiệu bán theo cân tại chợ Ninh Hiệp”?

Chỗ đứng của đồng hồ “sạch”

Năm tôi học lớp 9, trong cuộc trò chuyện về chủ đề “đồng hồ”, của tôi – một đứa trẻ và bác tôi – một người lính già, bác nói đầy vẻ trân trọng “Năm nay bác 65 tuổi, nghĩa là chiếc đồng hồ này cũng được khoảng gần 30 năm gắn bó với bác, gắn bó trên cả chiến trường và giờ là thời bình. Đồng hồ SK mặt lửa chính hãng đấy cháu ạ, quý lắm! Ngày trước mua được chiếc đồng hồ này không phải chuyện đơn giản”.

nhon-dong-ho-fake

 Đồng hồ Orient Crystal còn có tên là SK mặt lửa trở thành huyền thoại của thế hệ các quý ông từ những năm 70 thế kỷ trước.

Sau này lớn lên, khi biết đến internet tôi mới rõ, đồng hồ Orient Crystal hay còn có tên là SK mặt lửa đã trở thành dòng sản phẩm huyền thoại của thế hệ các quý ông từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sau 4 thập kỷ ra đời và phát triển, những chiếc đồng hồ SK là biểu tượng tạo nên đẳng cấp của phái mạnh và là sản phẩm đưa tên tuổi của thương hiệu Orient vươn ra thế giới.

Huyền thoại đồng hồ SK mặt lửa còn được xác lập bởi những lời tương truyền từ ngày xưa khi đồng hồ rơi xuống nước nhưng chỉ cần lắc nhẹ là đã hoạt động trở lại bình thường và không bị thấm nước. Điều ấy được bác tôi khẳng định rằng chính xác.

Từ ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh bác mặc quân phục, huân chương trên ngực, tay đeo đồng hồ SK mặt lửa và những người đeo đồng hồ “sạch” tạo nên vẻ cực kỳ cuốn hút…

“Vàng thau lẫn lộn”, lỗi tại ai?

Cách đây vài ngày, báo chí rầm rộ đưa tin về việc Quản lý thị trường Hà Nội tập trung kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh lớn tại Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội – một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc với dòng tít “Đồng hồ được bán theo cân tại chợ Ninh Hiệp”.

Được biết, thời điểm kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 2.670 sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; đồng hồ giả nhãn hiệu Hublot; quần áo giả nhãn hiệu Christion Dior, Nike, Adidas, Louis Vuiton... Đại diện cơ sở kinh doanh cho biết: Mỗi ngày cơ sở xuất ra thị trường hàng nghìn các sản phẩm quần áo mang thương hiệu áo Christian Dior với giá từ 60.000-120.000/ sản phẩm.

Trong khi đó, theo bà Samantha NG - Quản lý cấp cao về bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thời trang và sản phẩm da của Tập đoàn LVMH tại châu Á, một sản phẩm áo mang thương hiệu Christian Dior chính hàng có giá khoảng 600Eur (tương đương khoảng 15 triệu đồng Việt Nam).

nhon-dong-ho-fake

Dẹp nạn đồng hồ fake không phải chuyện đơn giản khi mà đồng hồ fake vẫn sống, "sống rất khỏe".

Sốc hơn, không chỉ riêng mặt hàng thời trang, đối với mặt hàng đồng hồ, tại chợ Ninh Hiệp còn được bán theo kilogram với giá từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng/kg. Một chiếc đồng hồ sẽ dao động khoảng vài chục đến dưới 100.000 VND/sản phẩm với đa dạng thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, giá trung bình của một chiếc đồng hồ mang thương hiệu Hublot chính hãng có giá khoảng 17.000 Eur, đồng hồ Zenith có giá khoảng 8.000 Eur và đồng hồ Tag Heuer có giá khoảng 2.300 Eur.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ, các tiểu thương ở khắp nơi thường về đây nhập hàng phục vụ tầng lớp người dân có thu nhập thấp, thích sử dụng hàng hiệu nhưng không có đủ điều kiện kinh tế sở hữu những sản phẩm chính hãng.

Tôi có nói với cậu bạn: “Sợ thật, bây giờ đồng hồ “hiệu” còn bán theo cân”. Cậu ta cười khẩy: “Ra chợ sinh viên, chợ đêm xem, muốn hãng nào có hãng ấy, fake 1, fake 2, fake n… Hơn nữa với thu nhập trung bình của nhiều người Việt Nam như hiện tại thì “đào đâu” ra tiền để mua hàng xịn, hàng chính hãng”. Câu nói tưởng đùa mà thật.

Rất nhiều chuyên gia khẳng định, ngoài nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái lộng hành là do những người làm ăn bất chính, hám lợi, còn do chính các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Phần đa doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái đã không công bố do sợ ảnh thưởng đến uy tín, sợ người tiêu dùng hoang mang, sợ các đối tượng làm giả sau khi biết được sẽ làm giả, nhái tinh vi hơn.

Người tiêu dùng như đã nói vì túi tiền hạn hẹp nhưng vẫn thích dùng “hàng hiệu”, vẫn mang tâm lý ham của rẻ hoặc tin vào những lời quảng cáo “có cánh”, không tìm hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm hoặc "biết là fake mà vẫn mua, vẫn dùng, thậm chí dùng chung thành"… Còn với cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù đã có luật sở hữu trí tuệ nhưng việc hướng dẫn, thi hành quá chậm, thiếu đồng bộ, chậm đi vào đời sống. Việc xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận thu được từ việc làm hàng giả, hàng nhái rất lớn nhưng số tiền phạt như muối bỏ bể.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 29/11 hàng năm làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chống hàng giả, hàng nhái… Và tôi, vẫn mong mỗi ngày đều là ngày 29/11 “chất” như tên gọi của nó...

Theo VietQ