Nhận diện loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Nhiều người nghĩ chỉ cần phun thuốc muỗi là có thể yên tâm thoát mùa dịch sốt xuất huyết. Trong khi đó là cách chỉ diệt được muỗi trưởng thành.
 
nhan-dien-loai-muoi-truyen-benh-sot-xuat-huyet

Chị Trần Thị Liên thoát cảm giác “mệt muốn chết” sau khi cơ thể nổi ban xuất huyết sau 7 ngày khởi sốt. Ảnh: Võ Thu

Cả nhà cùng bị sốt xuất huyết

Hôm nay là tròn 2 tuần từ khi chị Trần Thị Liên (ở Thanh Oai, Hà Nội) khởi sốt. Sau giấc ngủ tối, người phụ nữ 32 tuổi làm nghề nông này giật mình thấy đau ê ẩm người, tay chân nhức mỏi không nhấc nổi. Cơn đau kéo dài, kèm sốt, đau hốc mắt, trán… chị tới Trạm Y tế xã khám và được truyền nước, uống hạ sốt…

Đáng nói, càng uống thuốc, cơn sốt không buông tha chị mà 2 ngày liên tục trên 39-40 độ C. Chị càng mệt mỏi khi ăn bất cứ thứ gì vào người đều nôn ngay. Lo lắng, gia đình đưa chị lên Bệnh viện huyện Thanh Oai, lúc này, chị mới biết mình bị sốt xuất huyết sau khi xét nghiệm máu. 5 ngày nằm ở viện, chị liên tục sốt li bì, kèm rét run từng cơn, có lúc mắt chị không thể mở nổi vì nhức mỏi.

"Lo hơn khi tới ngày thứ tư, xét nghiệm máu cho thấy tiểu cầu trong máu của vợ tôi liên tục giảm. Từ 83g/l xuống 58, 17 rồi chỉ còn 9, bệnh viện nhanh chóng chuyển vợ tôi lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa", chồng chị Liên cho hay. Khi tới khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đêm thứ 7 tuần trước, xét nghiệm tiểu cầu của chị Liên cho thấy chỉ còn 6g/l, rất nguy hiểm. Các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, truyền nước, hạ sốt và xét nghiệm máu, định lượng tiểu cầu liên tục cho nữ bệnh nhân này. Tới ngày thứ 7 sau khởi sốt, trên tay, chân chị Liên liên tục nổi ban xuất huyết, người phụ nữ này mới thoát cảm giác "mệt muốn chết đi".

Theo Tổ chức Y tế thế giới, giảm tiểu cầu được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết. Giảm tiểu cầu được hiểu như sự suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu hoặc số lượng tiểu cầu dưới 150.000/mm3 (< 150g/l). Trường hợp của chị Liên cho thấy sự suy giảm rất mạnh, đe dọa tới tính mạng. Khi tiểu cầu là các tế bào máu nhỏ được sản xuất trong tủy xương. Tiểu cầu giảm trong sốt xuất huyết có nghĩa là mất khả năng đông máu và không thể chống lại các nhiễm trùng.

Chị Liên cho biết, chị là người đầu tiên trong xóm Tây Sơn, xã Phương Trung quê chị bị sốt xuất huyết. Chỉ trong 2 tuần, hầu như hộ gia đình nào ở đây cũng có người bị bệnh lây truyền bởi muỗi vằn này. Đến nay, xóm chị đã có hàng chục người mắc bệnh. Có gia đình tất cả mọi người từ con cháu, dâu rể đều "dính".  "Thông gia đến thăm nhau ốm vì sốt xuất huyết về cũng bị lây", chị Liên kể chuyện. 

Thanh Oai là huyện có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất Hà Nội với gần 30 ca trong một tuần. Lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết, tính đến ngày 12/8, toàn huyện ghi nhận 148 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 23 ổ dịch. Hiện 17 ổ dịch được khống chế, còn 6 ổ dịch đang hoạt động tại các xã Phương Trung, Cự Khê, Cao Viên, Bình Minh. Riêng xã Phương Trung và Bích Hòa có số ca cộng dồn cao.

Trên toàn thành phố Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, ghi nhận hơn 2.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, không có tử vong. Tuần qua, cả thành phố có gần 250 ca mắc mới. Bệnh nhân phân bố ở tất cả 30 quận, huyện, 331/584 (chiếm 57%) xã, phường. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – bệnh viện đầu ngành của Hà Nội về truyền nhiễm, chỉ trong 13 ngày đầu tháng 8 đã điều trị nội trú cho 37 ca, cao hơn cùng kỳ tháng trước nhiều. Hiện có 24 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm.  Một số bệnh nhân có diễn tiến nặng với những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, tiểu cầu giảm thấp, máu cô đặc, tràn dịch màng phổi…

Nhận diện loài muỗi gây bệnh có thể chết người

nhan-dien-loai-muoi-truyen-benh-sot-xuat-huyet

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra những nơi trú ngụ ưa thích của loăng quăng, bọ gậy. Ảnh: PV

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho hay, Hà Nội đang vào mùa mưa, nước đọng tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng nên dịch bệnh phát sinh nhiều nơi. Số ca mắc rải rác từ tháng 1, có xu hướng tăng từ tháng 6 và tăng nhanh từ tháng 7.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, muỗi vằn Aedes aegypti là vật chủ lây truyền virus. Đây là loại muỗi có vằn trắng trên cơ thể. Muỗi vằn là loài hoạt động hút máu vào ban ngày. Thời gian cao điểm đốt người của nó là vào lúc sáng sớm lúc mặt trời mọc và chiều tối trước hoàng hôn, đặc biệt là vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên chúng vẫn có thể hoạt động hút máu suốt cả ngày, thậm chí vào ban đêm.

Muỗi truyền sốt xuất huyết sống trong nhà, gần khu vực có nhiều người, thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, chỗ tối trong nhà. Một số nơi trú ngụ, đậu lại ưa thích của chúng là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa trong phòng ngủ, chúng thích đậu trên các loại vải có màu sẫm tối, tối đậm, nhiều lông tơ mịn, trong nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gậm giường, sau rèm. Ở những nơi đó chúng tránh được gió, mưa và phần lớn các loài ăn thịt khác, giúp chúng sống lâu hơn.

Muỗi vằn rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn. Chúng ít khi đậu trên tường. Tháng 4 đến tháng 11 là thời gian thuận lợi để muỗi phát triển do vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm.

Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào, đặc biệt là nước đọng lại ở trong nhà và khu vực quanh nhà (thùng bỏ không, rác thải, lốp xe hỏng, chai lọ...). Những vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40% trong ngày, là nơi muỗi vằn thích đẻ trứng. Trứng sau khi nở tiếp xúc với nước. Khả năng sinh tồn của trứng muỗi khá cao, có thể sống trong điều kiện rất khô, nhiều tháng liền.

Trong môi trường thuận lợi, chỉ sau 1 - 3 ngày trứng sẽ phát triển thành bọ gậy. Bọ gậy phát triển thành loăng quăng trong vòng 5 - 8 ngày. Sau khoảng 2 - 3 ngày tiếp theo, loăng quăng sẽ phát triển thành muỗi non, rồi phát triển thành muỗi trưởng thành. Chu trình kéo dài từ 10 - 15 ngày và có tính chất lặp lại: muỗi trưởng thành sẽ đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, loăng quăng ruồi muỗi. Trong suốt quãng đời sinh sống, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng.

Hiện phun thuốc là cách để diệt muỗi trưởng thành. Hóa chất diệt muỗi là loại thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Thuốc được pha theo tỷ lệ 1:13 đạt độ an toàn cho người. Sau khi phun thuốc 2 giờ, con người có thể tiếp cận nơi vừa phun thuốc được. Các nhà chuyên môn khẳng định để diệt loăng quăng, ngăn chặn cho muỗi phát triển muỗi trưởng thành, cách tốt nhất là lật úp các vật dụng có thể chứa nước lâu ngày, phát quang bụi rậm để môi trường sạch thoáng không cho muỗi trú ngụ.

Theo GiaDinh