Nguyên nhân gây ung thư được phát hiện tiềm ẩn trong thực phẩm, dụng cụ nấu ăn

Theo các nhà nghiên cứu xác định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư trong đó nổi bật là các thành phần có trong thực phẩm, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm mỹ phẩm...

Bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, tại Việt Nam, ung thư mắc mới tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. 

WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Việt Nam ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 dân, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan. Ở nam giới, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới chủ yếu là ung thư vú, dạ dày, phổi.

Theo thông tin trên trang Insider, các nhà nghiên cứu xác định được một số thành phần gây ung thư xuất hiện trong thực phẩm, dụng cụ nấu ăn và cả sản phẩm dùng để thoa lên cơ thể. Danh sách những thành phần gây ung thư trong năm nay có lẽ dài hơn khi các nhà nghiên cứu xác nhận một số hóa chất liên quan đến sự phát triển bất thường của tế bào. Do ô nhiễm công nghiệp, hóa chất gây ung thư có thể xuất hiện trong tất cả loại sản phẩm. Vì thế, ngay cả sản phẩm chăm sóc cá nhân được cơ quan quản lý phê duyệt cũng phải chịu sự giám sát.

Nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu việc sản xuất thực phẩm, đồ gia dụng và sản phẩm làm đẹp để tìm ra thành phần có khả năng gây độc. Mặc dù rất khó để xác định nguyên nhân gây ung thư, cho đến nay các nhà khoa học kết luận rằng di truyền, môi trường, lối sống và nghề nghiệp có thể góp phần tạo ra nguy cơ mắc ung thư.

nguyen-nhan-gay-ung-thu-duoc-phat-hien-tiem-an-trong-thuc-pham-dung-cu-nau-an

 Có nhiều tác nhân gây ung thư. Ảnh minh họa

Hóa chất trong sản phẩm chống dính có khả năng gây ung thư gan

Nghiên cứu xác nhận mối liên hệ giữa chất PFAS (per- and polyfluoroalkyl substances) và nguy cơ cao mắc ung thư gan. Chất này thường được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng.

Trước đây, một số hóa chất thuộc nhóm PFAS được cho là có liên quan đến tổn thương gan, nhưng hầu hết bằng chứng đều đến từ nghiên cứu trên động vật.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Keck, Đại học Nam California (Mỹ) sử dụng mẫu máu và mô của hơn 200.000 người ở Los Angeles và Hawaii để nghiên cứu tác động của PFAS đối với gan người. Phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Vật lý năng lượng cao vào tháng 8.

Các nhà nghiên cứu phát hiện người tiếp xúc với PFAS nhiều nhất có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4,5 lần. Chất này được sử dụng để sản xuất chảo chống dính.

Theo phân tích các mẫu mô, nguy cơ mắc bệnh tăng có thể do thay đổi trong quá trình chuyển hóa ở gan, nhưng cần nghiên cứu thêm để biết việc tiếp xúc với PFAS đã phá vỡ chức năng gan như thế nào.

Ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể tăng nguy cơ ung thư ruột kết

Gần đây, các cuộc nghiên cứu tập trung vào nguy cơ sức khỏe khi ăn thực phẩm siêu chế biến như xúc xích, khoai tây chiên và bánh pizza đông lạnh. Hầu hết thực phẩm chúng ta ăn đều được chế biến ở mức độ nhất định, nhưng thực phẩm siêu chế biến được làm từ nhiều thành phần nhân tạo hơn thực phẩm toàn phần.

Vào tháng 8, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh cho thấy đàn ông Mỹ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 29% so với người ăn ít thực phẩm chế biến nhất.

Họ đã sắp xếp đàn ông tham gia thành 5 nhóm theo chế độ ăn uống của họ và sau đó so sánh nhóm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến nhiều nhất với nhóm có lượng tiêu thụ thấp nhất.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trước đây liên kết các loại thịt siêu chế biến như thịt nguội và thịt bò khô với tỷ lệ mắc ung thư ruột cao hơn ở nam giới.

Chất tạo ngọt liên quan đến tăng nguy cơ ung thư

Đường nhân tạo như aspartame thường được sử dụng để thay thế đường trong các loại soda dành cho người ăn kiêng và đồ ăn nhẹ ít calo. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây cho biết chất tạo ngọt cũng như đường thông thường có liên quan đến các nguy cơ sức khỏe bao gồm cả bệnh tim.

Theo nghiên cứu của Pháp được công bố trên tạp chí PLOS Medicine vào tháng 3, một số chất tạo ngọt có thể đi kèm với nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư liên quan đến bệnh béo phì.

Dựa trên dữ liệu từ hơn 100.000 người Pháp trưởng thành, các nhà nghiên cứu phát hiện ra người tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt nhất có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 13% so với người không tiêu thụ. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa chất tạo ngọt như aspartame và sự tăng nhẹ nguy cơ ung thư, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để biết việc tiêu thụ chất này có thực sự gây ung thư hay không.

Sản phẩm tóc cho phụ nữ da đen có thể gây ung thư

Các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc tóc dành cho phụ nữ da đen thường chứa paraben, loại hóa chất có tác động giống như estrogen.

Nghiên cứu trước đây chỉ ra tương tự estrogen, paraben có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào vú, từ đó gây ra ung thư vú. Trong khi đó, nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết vào tháng 6 cho thấy tác dụng của paraben mạnh hơn ở phụ nữ da đen so với phụ nữ da trắng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra cùng hàm lượng paraben nhưng các dòng tế bào ung thư vú của người da đen phát triển đáng kể so với dòng tế bào ung thư vú của người da trắng. Hóa chất này cũng làm tăng sự xuất hiện của gen liên quan đến ung thư vú trong tế bào của cả phụ nữ da đen và da trắng.

Nhiều loại dầu gội khô có chứa benzen

Vào năm 2021, chất khử mùi và kem chống nắng dạng xịt bị thu hồi sau khi một phòng thí nghiệm phát hiện chúng có chứa benzen, chất hóa học gây ung thư.

Trong năm nay, phòng thí nghiệm Valisure tiếp tục kiểm tra các sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp để tìm chất gây ung thư. Gần đây nhất, phòng thí nghiệm phát hiện ra 11 nhãn hiệu dầu gội khô chứa hơn 2 ppm benzen, vượt quá giới hạn khuyến nghị của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Benzen được biết là làm tăng nguy cơ ung thư kể từ năm 1977 khi có nghiên cứu cho thấy những công nhân tiếp xúc với chất này có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cao gấp 9 lần.

Túi độn ngực có liên quan đến một số bệnh ung thư

Vào tháng 9, FDA đưa ra cảnh báo về bệnh ung thư liên quan đến túi độn ngực. Cơ quan này cho biết gần 20 trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy, loại ung thư thường ảnh hưởng đến da, được tìm thấy trong mô sẹo xung quanh túi độn ngực. Họ cũng xác định được ít hơn 30 trường hợp ung thư hạch bạch huyết khác không liên quan đến việc nâng ngực. 

Trước đây, FDA đã liên kết một số trường hợp u lympho tế bào lớn loại thoái sản (ALCL) với túi độn ngực, đặc biệt là túi có bề mặt sần. Những bệnh ung thư này rất hiếm và không phải tất cả ca độn ngực đều dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, những người thực hiện nên đặc biệt cẩn thận để theo dõi các triệu chứng.

Theo VietQ