Người nào không nên ngâm chân thảo dược, nước nóng?

Gan bàn chân có rất nhiều huyệt đạo, việc ngâm chân với nước nóng hay thảo dược sau khi dầm mình dưới mưa sẽ giúp tránh nguy cơ cảm lạnh, phong hàn, cải thiện đáng kể một số bệnh thường gặp. Vậy nhưng, không phải ai cũng nên ngâm chân vì đã có những trường hợp chân biến chứng nặng vì thói quen này.

Người nào không nên ngâm chân thảo dược, nước nóng?

Khi ngâm chân nên đo nhiệt độ nước ở dưới 40 độ C.

Hoại tử chân vì ngâm chân tùy tiện

Bà Mai Thị Hương (ở Mễ Trì, Hà Nội) có thói quen ngâm chân nước ấm sau khi đi ngoài trời mưa về hoặc trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon. Những lần trước bà chỉ ngâm nước âm ấm đun với lá lốt, gừng, muối. Bà kể, một tuần trước, do đi mưa về bị lạnh nên bà ngâm chân với nước nhiệt độ cao hơn mọi lần.

Hai ngày sau, ở chân xuất hiện tình trạng tấy đỏ, bỏng da, loét. Khi vết thương lan rộng, bà được người nhà đưa vào viện. Bàn chân khi này của bà đã nhiễm trùng, hoại tử sâu rộng, sau thăm khám bác sỹ cho biết, bà bị tiểu đường nhưng không biết nên ngâm chân với nước quá nóng mới dẫn tới tình trạng như vậy.

Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam cho biết, ngâm chân là một cách giữ gìn sức khỏe hợp lý và có hiệu quả thiết thực đối với một số chứng bệnh, vừa đơn giản, dễ làm, lại tiết kiệm. Ngâm chân chăm sóc sức khỏe không phải là một phát minh gì mới lạ mà là một phương pháp truyền thống của y học cổ truyền (YHCT) vì đa số các kinh mạch trong cơ thể thường khởi đầu hoặc kết thúc ở các đầu chi (tay, chân).

Ngâm chân tay chính là dùng phương thuốc (nếu có dược liệu tham gia), “thủy hỏa” hợp tễ (nếu là nước ấm nóng) để thông kinh, hoạt lạc, điều hòa doanh vệ, lập lại thế cân bằng âm dương, thải loại độc tố, loại trừ bệnh tật, tăng cường sức khỏe.

Trong những ngày trời lạnh, mưa nắng thất thường như hiện nay khi đi trời mưa về, ngâm chân nước ấm còn phòng tránh nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm, phong hàn rất tốt. Ngoài ra, ngâm chân trong nước ấm giúp kích thích tuần hoàn máu, khí huyết được điều hòa và cải thiện. Đồng thời, kích thích các huyệt vị giúp điều trị một loạt triệu chứng khó chịu như đau đầu, tinh thần mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ…

Mặc dù ngâm chân rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ngâm chân tùy tiện. Ba nhóm người không nên ngâm chân nước nóng là người bị tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch hoặc bị tắc nghẽn động mạch.Với những người có tình trạng máu lưu thông kém, bị tắc nghẽn nếu ngâm chân sẽ càng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hơn. Hay người bị suy giãn tĩnh mạch, việc ngâm chân trong nước nóng ở nhiệt độ cao sẽ tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên tĩnh mạch khiến bệnh tăng nặng hơn. Những người trong thời gian bị bong gân, có vết thương hở ở chân cũng không nên ngâm chân.

Nguy hiểm hơn nữa, việc ngâm chân không đúng cách còn có thể khiến chân hoại tử, phải cắt bỏ. Bệnh viện Nội tiết Trung ương thời gian gần đây tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân tiểu đường chân bị biến chứng nặng do ngâm nước nóng, nước lá.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện (Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương), Khoa cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc dẫn đến bỏng nặng.

Điều này là do ở những người mắc bệnh tiểu đường thường có lớp da chân tương đối mỏng, dây thần kinh và bàn chân không còn nhạy cảm nhiều với nhiệt độ so với người bình thường. Do đó, họ sẽ khó cảm nhận được chính xác nhiệt độ của nước, mất nhiều cảm giác về nóng nên rất dễ bị bỏng da. Hơn nữa, người bệnh tiểu đường chỉ cần bị một mụn nước nhỏ mà không xử lý kịp thời có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân… Không ít trường hợp sau khi bị bỏng lại tự điều trị tại nhà bằng cách đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc dẫn tới tình trạng hoại tử lan rộng khó chữa trị, thậm chí đã phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng rất đáng tiếc.

Ngâm chân thế nào cho đúng?

Theo Đông y, gan bàn chân là bộ phận dày đặc kinh lạc và huyệt vị. Việc chăm sóc bàn chân rất tốt trong việc bảo vệ sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, khi thực hiện ngâm chân mọi người cần lưu ý nhiệt độ nước ngâm chân không vượt quá 60 độ C để tránh xung nhiệt và gây bỏng da. Sau ngâm cần lau khô chân ngay. Các lở loét do biến chứng của bệnh tiểu đường cần phải cân nhắc rất kỹ về các dược liệu gây dị ứng tham gia trong bài thuốc ngâm chân, tránh tác động chéo vào huyết phận.

Theo các chuyên gia, thời điểm ngâm tốt nhất là trước khi ngủ, ngâm hai chân vào nước ấm chừng 40 độ C, thời gian ngâm chừng 20-30 phút. Trong thời gian này, bạn thi thoảng có thể cho thêm nước nóng để duy trì nhiệt độ của nước. Ngâm đến khi thấy người nóng lên, đổ mồ hôi nhẹ, da chân ửng đỏ là tốt nhất. Để có nhiệt độ nước chuẩn, mọi người nên sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ nước.

Sau khi ngâm cần lau sạch chân bằng khăn khô, trong ngày lạnh phải ủ ấm chân ngay để tránh lạnh. Để làm tăng công dụng tĩnh tâm an thần, có thể kết hợp xoa bóp chân và lòng bàn chân. Trong khi ngâm chân nên thả lỏng toàn thân, thư giãn, thở đều, nhẹ và sâu.

Một số bài ngâm chân tốt cho sức khỏe

- Ngâm chân nước nóng thảo dược chữa viêm khớp, đau khớp do phong hàn thấp: Ngải cứu 30g, Lá lốt 30g, Muối hạt 20g, Gừng tươi 01 củ, Nước 02 lít. Tất cả gĩa dập, đun sôi với nước, để nguội đến nhiệt độ 50 – 60 độC thì ngâm chân trong 15 - 20 phút.

- Ngâm chân nước nóng thảo dược chữa viêm khớp, đau khớp do thấp nhiệt độc (thống phong-bệnh Gutte): Ngải cứu 20g, Bồ công anh 20g, Dây kim ngân 20g, Cải trời 20g, Bông mã đề 20g. Tất cả gĩa dập, đun sôi với nước, cho thêm ít muối, để nguội đến nhiệt độ 50 - 60 ̊C thì ngâm chân trong 15 - 20 phút.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng

Theo GiaDinh