Nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày: Thấy sợ...

Tết Nguyên đán 2021 khiến nhiều người cảm thấy sợ: một năm với nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh nay lại các khoản chi tiêu dịp Tết...

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của cơ quan này trình trước đó về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ được nghỉ 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2 đến 16/2/2021 (tức 29 tháng chạp Canh Tý đến mùng 5 tháng giêng Tân Sửu).

Nói về thông tin nghỉ Tết Tân Sửu 2021, Anh Nguyễn Văn Trọng (34 tuổi, ngụ TP. Nam Định) đang làm việc ở TP. HCM tỏ ra không mấy hào hứng.

Anh Trọng đang tất bật thời điểm cuối năm hoàn thành xong các thỏa thuận xây dựng công trình dân dụng với kỳ vọng "tranh thủ xã hội trở lại trạng thái bình thường mới để kiếm tiền về quê đón Tết sum họp cùng gia đình", nhưng bất chợt ngày 30/11/2020, cơ quan chức năng TP. HCM thông báo có ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ngoài cộng đồng.

"Nghe thông tin mà tôi đành thở dài ngao ngắn, năm nay đã nhiều lần ở trong tâm trạng như thế này rồi, hết dịch bệnh lại đến thiên tai, vừa bắt tay vào cuộc việc, mọi thứ tưởng như đi vào ổn định thì giờ lại đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch.

Năm ngoái vào thời điểm này là tôi đã đặt vé cho cả gia đình ra Bắc, về quê đón Tết. Hai vợ chồng tính toán các khoản chi tiêu cho đợt Tết. Nhưng năm nay, mọi thứ vẫn còn đang rất mông lung, tôi chưa dám chuẩn bị gì cho Tết cả.

Khi mà tiền lương cho thợ vẫn chưa biết lấy đâu ra để trả. Mọi năm, mỗi thợ làm cho tôi đều có một gói quà kèm theo 5 triệu đồng tiền thưởng nhưng năm nay có lẽ cố gắng lắm cũng chỉ đủ trả công cho người làm và hỗ trợ tiền xe đi lại" - anh Trọng tâm sự.

nghi-tet-nguyen-dan-7-ngay-thay-so

Năm 2020 với nhiều biến động do dịch bệnh, thiên tai khiến nhiều của hàng, công ty phải đóng cửa.

Chị Phan Thị Hương (24 tuổi) hiện đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long - TP. Hà Nội cũng đang phân vân về Tết Tân Sửu 2020 chưa biết phải chi tiêu như thế nào.

"Năm 2020 trải qua 2 thời điểm dịch bệnh, phải ngồi chơi ở nhà cả tháng trời với mức lương cơ bản. Rồi tiếp đến là gần 3 tháng giảm công nhiều ngày vì không thể tăng ca, công việc ít đi.

Từ tháng 10/2020 mức lương của chị mới trở lại bình thường. Vì thế, mọi kế hoạch mua sắm cuối năm đón Tết của tôi sẽ bị ảnh hưởng, chắc chắn là không thể bằng mọi năm" - chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, chị Hương vẫn muốn về quê ở Nghệ An để đón Tết cùng gia đình. "Kinh tế khó khăn thì mình phải thắt chặt chi tiêu. Không dám mua sắm gì cho cá nhân, mùa Đông đến cũng đành nhờ bố mẹ gửi quần áo từ năm ngoái ở quê ra mặc tạm chứ không mua mới cho bản thân mình" - chị Hương chia sẻ trong tiếng thở dài.

Cùng trong tâm trạng, ông Phạm Đức Huy - chủ một doanh nghiệp kinh doanh may mặc ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định thừa nhận: "Năm nay coi như không có Tết!".

Với quy mô xưởng may 100 máy với hơn 150 làm việc mỗi ngày, ông Huy phải lo hơn 1 tỷ đồng/tháng trả lương cho nhân viên.

"Mọi năm vào dịp mùa Đông thì công nhân làm không hết việc nhưng năm nay, các đầu mối đều thông báo giảm lượng hàng. Không có việc, công nhân ngồi chơi cả tháng trời, thu nhập của tôi và cả công nhân cũng vì thế mà giảm đi. Bây giờ nhắc đến Tết mà ai cũng thấy sợ!" - ông Huy nói.

Theo ông Huy, lịch nghỉ Tết đã có nhưng những người như ông chẳng mấy hào hứng. Mọi năm, có lịch nghỉ Tết, ông Huy lại khuyến khích nhân viên bằng việc đặt ra các chỉ tiêu để tặng thưởng cho mọi người nhìn vào đó mà phấn đấu. Tuy nhiên, năm nay ông không dám đề ra điều đó vì biết rằng nguồn thu của mình đang bị giảm đi.

"Có muốn đặt ra chỉ tiêu cũng chẳng được vì làm ra hàng mà không xuất đi được lại càng khó khăn hơn. Có việc làm, thu nhập ổn định thì cả tôi và công nhân đều mừng, nhưng năm nay thì mọi người cũng đều có tâm trạng chung.

Chưa ai trong công ty nói gì về kế hoạch Tết của mình cả. Năm nay, Luật thay đổi, cho phép chủ doanh nghiệp trả lương cho nhân viên bằng hiện vật, có lẽ tôi cũng chỉ dám thực hiện theo cách này" - ông Huy kể.

Khó có thưởng Tết

Ông Trần Hoàng Giang - Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Bình bày tỏ, năm 2020, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều phải dừng hoạt động, đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, không có đơn hàng, không có nguồn thu.

"Tính trung bình khoảng 40% doanh nghiệp phải dừng hoạt động, 40% hoạt động cầm chừng, chỉ còn khoảng 20% có được đơn hàng. Trong mấy chục năm làm việc với doanh nghiệp tôi chưa bao giờ thấy doanh nghiệp gặp khó khăn như năm nay

Tôi đang chứng kiến nhiều người làm giám đốc doanh nghiệp cho tới cán bộ, nhân viên đều đang phải tranh thủ chạy xe ôm, ship gà, rau thuê để kiếm thêm vài chục nghìn đồng mỗi ngày.

Họ tranh thủ chạy xe, ship hàng từ 5 giờ sáng để kiếm được vài ba chục, có người được 100.000 đồng/ngày để bảo đảm trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong gia đình", ông Giang chia sẻ.

Nói thêm về vấn đề thưởng Tết, ông Giang cho rằng với doanh nghiệp cố gắng duy trì, giữ được chân công nhân viên thời điểm này đã rất khó chứ chưa dám nghĩ tới việc thưởng Tết.

“Doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong suốt thời gian dài, không có nguyên liệu, không sản xuất ra đơn hàng, không có nguồn thu mà vẫn phải duy trì, giữ chân hàng trăm công nhân viên, tính tới thưởng Tết đúng là bài toán khó hơn lên trời đối với doanh nghiệp lúc này.

Tôi sợ năm nay không có thưởng, chứ không dám mơ thưởng cao. Nếu cố gắng chắc cũng chỉ tư 3- 5 triệu, còn doanh nghiệp nào làm ăn tốt thì hi vọng có thể mức thưởng có được từ 7 - 10 triệu, như thế là mừng lắm rồi", ông Giang cho biết.

Ngọc Khánh

Theo Đất Việt