Ngay giữa Thủ đô, nhiều khu chợ bất chấp lệnh cấm

Mặc dù Hà Nội đã cấm giết mổ gia cầm tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, từ năm 2007. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn đang diễn ra tấp nập tại các chợ dân sinh trên địa bàn.
 
ngay-giua-thu-do-nhieu-khu-cho-bat-chap-lenh-cam

Cảnh giết mổ gia cầm tại chợ Quang. Ảnh: Bảo Loan

Tấp nập cảnh giết mổ ở chợ dân sinh

16h chiều 12/8, như thường ngày, chợ Quang (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp. Mặc dù phiên chợ buổi chiều không tấp nập bằng thời điểm buổi sáng nhưng là chợ dân sinh có đầy đủ, đa dạng các mặt hàng thực phẩm, chợ Quang được người dân xung quanh lựa chọn là địa điểm cung cấp thực phẩm với giá hợp túi tiền. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, một số toà nhà chung cư trong khu vực được bàn giao và đi vào hoạt động, chợ Quang trở nên nhộn nhịp hơn.

Chợ Quang có 3 lối ra vào. Tại khu vực cổng chợ, khoảng 16h chiều, các quầy hàng thực phẩm chín như gà luộc, thịt lợn quay, vịt quay bắt đầu được bày biện. Bên cạnh chiếc bàn chứa thực phẩm là những chiếc lò nướng hun hút khói, người bán đội nón, bịt mặt vừa khều than vừa chỉnh quạt lò nướng.

Đi sâu vào phía bên trong chợ Quang, các gian hàng gia cầm, thuỷ hản sản ken đặc người và xe. Những chiếc lồng sắt đầy ắp gia cầm được xếp ngay ngắn thành hàng dài ngay bên hành lang lối đi, xen kẽ các lồng gia cầm là thành phẩm đã qua chế biến khách đến mua. Ở các gian hàng bán gia cầm, tiểu thương luôn chuẩn bị sẵn một bếp than tổ ong, trên bếp than là nồi nước nóng. Dưới nền đất không thể thiếu các dụng cụ giết mổ gia cầm, gồm dao, thớt, chậu đựng nước… Mùi hôi của gia cầm, mùi tanh của giết mổ cùng mùi ẩm thấp, nước thải xộc lên, quyện vào nhau thành một mùi hôi tanh rất khó chịu.

Mặc dù đang dở tay "xử lý" gia cầm trong chậu nước đỏ ngầu nhưng khi thấy khách hàng mới tiến lại quầy hàng, các chủ gian hàng nhanh chóng đứng lên mời chào: "Ăn gà em nhé. Gà hôm nay ngon lắm. Em lấy gà trống, gà mái hay lấy vịt? Vịt hôm nay vừa ngon, vừa rẻ, chỉ 65.000 đồng/con thôi. Em chọn đi, chọn xong chị làm tại chỗ cho, em đi mua gì một lúc quay lại là có gà thành phẩm thôi, chị làm hết cho em…". Quay sang dãy hàng thuỷ hải sản ở bên cạnh, chúng tôi cũng được tiểu thương nhanh miệng chào hàng và được hỗ trợ sơ chế ngay tại chỗ.

Sau khi khách hàng lựa chọn, các sản phẩm gia cầm, thuỷ hải sản được sơ chế ngay tại trong khu vực quầy hàng, dưới nền đất hôi tanh, nước bẩn, người sơ chế không khẩu trang, không đồ bảo hộ… thành phẩm sau khi sơ chế không tuân thủ các quy định về giết mổ gia cầm, quy định về đảm bảo ATVSTP được tiểu thương đặt trên chiếc bàn để trưng bày. Chiếc bàn chứa thành phẩm này chỉ cách lồng gà sống vài gang tay.

Không chỉ riêng chợ Quang, tại một số chợ dân sinh như chợ tạm Quan Nhân (phường Nhân Chính), chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), thực trạng giết mổ gia cầm ngay dưới lòng đường, vỉa hè cũng diễn ra tương tự. Tại khu vực hành lang lối đi dưới chân toà nhà HH4B - tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng tấp nập không kém. Mặc dù biển cấm họp chợ của UBND phường Hoàng Liệt được cắm ở hai đầu lối ra vào hành lang. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng 16h trở đi, khu vực cấm họp chợ này lại nhộn nhịp với đa dạng các mặt hàng thực phẩm, từ rau xanh đến hoạt động giết mổ gia cầm tại chỗ.

Có cung ắt có cầu

Chi cục Chăn nuôi thú y Hà Nội đã ban hành "lệnh" cấm giết mổ gia cầm trên địa bàn từ năm 2007. Đặc biệt, chế tài xử phạt tại Nghị định119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, hành vi giết mổ động vật tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, giết mổ sơ chế, chế biến không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ, nước rửa… bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chia sẻ với PV, bà An (một tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ Quang) cho biết: "Không có khách mua thì chúng tôi biết bán cho ai? Có cung ắt có cầu, khách cần thì chúng tôi đáp ứng".

Cũng theo bà An, vịt sống có giá 60.000 – 65.000 đồng/con và 70.000 – 75.000 đồng/con đã giết mổ. Gà có giá 90.000 - 110.000 đồng/kg đã qua "xử lý". Giá trên là tùy khách mặc cả, ra giá. Bà An cho biết: "Mỗi ngày, chúng tôi bán hàng tạ gia cầm, bao gồm gà, vịt, bồ câu. Khách hàng cần bao nhiêu cũng có. Để bán được nhiều gia cầm thì chúng tôi phải đến chợ hai phiên trong ngày, buổi sáng thì chợ nhộn nhịp hơn buổi chiều, thực phẩm xanh tươi và rẻ hơn, buổi chiều thì hàng không ế nhưng bán chậm hơn buổi sáng".

Tại khu vực hành lang tòa nhà HH4B - tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, bà Tảo (tiểu thương gia cầm, thủy hải sản) cho biết: "Ki-ốt của tôi cái gì cũng có, từ ngan, vịt, gà, bồ câu… đến các loại cá. Khách hàng muốn lấy bao nhiêu cũng có. Tôi giết mổ thành hàng sạch cho khách luôn. Khách chỉ việc lấy về rồi cho vào nồi chế biến thôi".

Mặc dù tiện lợi là vậy, nhưng chị Nguyễn Linh Hương (ở chung cư Eco-Green, Tân Triều, Thanh Trì) lại không lựa chọn các chợ dân sinh để mua sắm thực phẩm cho gia đình, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống. Chị Hương nói: "Ở chợ Quang, hàng hoá có thể rẻ hơn so với ở siêu thị nhưng nhìn cảnh tiểu thương chế biến gia cầm trên nền đất tanh hôi, bẩn thỉu, tôi không thể ăn ngon được. Trong khi đó, hàng hoá ở siêu thị có giá chỉ nhỉnh hơn so với chợ dân sinh nhưng có nguồn gốc rõ ràng, được cất giữ trong tủ mát thì tôi thấy rất sạch sẽ và an tâm".

Cũng theo chị Hương, thành phố không chỉ ra lệnh "cấm" rồi "bắt cóc bỏ đĩa", mà cần tăng cường vào cuộc để siết chặc các tình trạng đang diễn ra ở chợ dân sinh. Đặc biệt là cúm gia cầm chưa bao giờ dừng lại thì người tiêu dùng càng cần phải trở nên thông thái để lựa chọn những sản phẩm an toàn cho gia đình và vô tình tiếp tay cho những tình trạng vi phạm quy định an toàn trong giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra giữa Thủ đô.

Theo GiaDinh