Ngang nhiên bán son dưỡng môi, máy sấy tóc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang vừa tiến hành xử phạt và buộc tiêu hủy sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam của một cơ sở kinh doanh.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây trong công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh Tùng Diệp, địa chỉ: Tổ 1, TT Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang do ông Đỗ Hoàng Tùng làm chủ.

ngang-nhien-ban-son-duong-moi-may-say-toc-gia-mao-nhan-hieu-noi-tieng

 Nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị tịch thu và tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Qua kiểm tra phát hiện 05 bộ quần áo nhãn hiệu adidas 43 cái áo sơ mi nhãn hiệu Uniqlo, 154 thỏi son dưỡng môi nhãn hiệu Lipice, 420 cái bút bi nhãn hiệu Thiên Long, 05 cái tủ sấy quần áo nhãn hiệu SamSung, 10 cái máy sấy tóc nhãn hiệu Panasonic có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu sản phẩm cùng loại đang được bảo hộ tại Việt Nam và 80 chai mỹ phẩm (sữa tắm) có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Đỗ Hoàng Tùng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 3 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ.

Sau khi kết thúc quá trình xác minh, Đội QLTT số 3 đã trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Đỗ Hoàng Tùng đối với hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 19 triệu đồng.

Tiếp đến, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã giám sát việc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa nhập lậu theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ: Đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ

 Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.”

Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp nêu trên theo quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo VietQ