Ngang nhiên bán dược liệu không rõ nguồn gốc tại chợ bị tóm gọn

Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều hộ kinh doanh mặt hàng dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, sau thời gian kiểm tra và xác minh, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Văn phòng UBND và HĐND huyện Cao Lộc, UBND thị trấn Đồng Đăng tiến hành kiểm tra đột xuất 4 hộ kinh doanh mặt hàng dược liệu tại khu vực chợ cũ thị trấn Đồng Đăng.

ngang-nhien-ban-duoc-lieu-khong-ro-nguon-goc-tai-cho-bi-tom-gon

 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra toàn bộ số dược liệu không rõ nguồn gốc của các chủ hộ kinh doanh. (Ảnh: Đội QLTT số 2 Lạng Sơn)

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh là bà Phan Thị Khơi (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn); bà Phan Thị Bằng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn); bà Phan Thị Biển (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và 01 hộ kinh doanh khác vắng mặt khi thấy Đoàn kiểm tra tới.

Theo đó những hộ kinh doanh này đang kinh doanh khoảng 56 mặt hàng dược liệu gồm: Táo quả khô, Hà Thủ ô, Trà Sơn mật Hồng Sâm, Quả óc chó, Quả la hán, Ba kích, Củ thiên ma, Đông trùng hạ thảo, Tam thất nam, Củ quy, Củ bạch chỉ, quả mắc nửu… không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu có tổng trọng lượng là 242,7 kg.

Sau khi tiến hành kiểm tra và xác định toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số dược liệu nói trên để xác minh, làm rõ xử lý theo quy định của pháo luật.

Về tác hại khi mua phải dược liệu không rõ nguồn gốc, Lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc, xuất xứ vì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Cũng theo các nhà chuyên môn về Đông y, thông thường Đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu người sản xuất trộn thêm các chất tân dược sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Mới uống người bệnh có cảm giác bệnh thuyên giảm ngay, tuy nhiên dùng một thời gian thì nguy hại cho sức khỏe. Bởi để thuốc bắc không bị mốc, có màu sáng đẹp, nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá quy định cho phép, bất chấp tác hại đối với người tiêu dùng.

Việc bảo quản bằng lưu huỳnh là rất nguy hiểm bởi đông dược là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ da, xác động vật... dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc, có khả năng gây ung thư nếu tồn dư một lượng đáng kể trong cơ thể. Khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính.

Cũng trao đổi với Chất lượng Việt Nam Online về chất lượng thực sự của các loại dược liệu không rõ nguồn gốc đang bày bán trên thị trường, bác sĩ Lưu Chi Mai, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, các loại dược liệu trôi nổi không rõ nguồn gốc rất nguy hại đối với sức khỏe người dùng, đặc biệt lại là người bệnh. Bởi không thể biết được các dược liệu trôi nổi được bào chế như thế nào, đặc biết khi sấy bằng diêm sinh, than hay bảo quản chống mốc bằng lưu huỳnh thì càng nguy hiểm và có tác hại khác nhau tùy từng loại hóa chất.

Thậm chí, các loại dược liệu trôi nổi nhập lậu có thể là rác thuốc đã được lấy hết dược tính không còn có tác dụng trong y học, nhưng vì là hàng hóa nên nó được ngâm tẩm hóa chất để tạo ra sự đẹp mã, mùi vị hấp dẫn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

Bác sĩ Mai khuyến cáo, người bệnh nên đến bệnh viện, các cơ sở uy tín có đủ điều kiện khám chữa bệnh để được điều trị và sử dụng những loại dược liệu đảm bảo, an toàn và phát huy hết tác dụng dược tính.

Theo VietQ