Ngân hàng cảnh báo chiêu trò lừa đảo dưới hình thức 'đăng ký vaccine ngừa COVID-19'

Nhiều ngân hàng gần đây tiếp tục cảnh báo các thủ loạn đừa đảo của kẻ gian để chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Trong đó có thủ đoạn lừa đảo dưới danh nghĩa 'đăng ký vaccine ngừa COVID-19'.

Một chiêu thức lừa đảo mới theo HSBC là việc tiếp cận khách hàng qua điện thoại hoặc thư điện tử với mục đích đăng ký vaccine ngừa COVID-19 và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký.

Đối tượng lừa đảo cũng có thể gửi đến khách hàng một đường link qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để đăng ký vắc vaccine ngừa COVID-19 nhưng đường dẫn lại chứa phần mềm độc hại tấn công thiết bị và ăn cắp dữ liệu cá nhân.

Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng không chia sẻ với người khác bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập và mật khẩu của thiết bị bảo mật và ngân hàng trực tuyến, mã OTP. Đồng thời, khách hàng nên cẩn trọng về những yêu cầu nhận được. Hiện việc tiêm chủng Covid-19 được Chính phủ lên kế hoạch và tổ chức nên khách hàng cần tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống.

Eximbank cũng vừa phát đi cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại mạo danh là nhân viên tổng đài, mời khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để tham gia các gói lãi suất ưu đãi. Song song đó, xuất hiện các trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Eximbank giải đáp vướng mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

Khi người dùng cung cấp thông tin theo yêu cầu, kẻ gian có thể lợi dụng để hiện thực hóa hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Ngân hàng khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn, email, ứng dụng chat Zalo hay Viber.

ngan-hang-canh-bao-chieu-tro-lua-dao-duoi-hinh-thuc-dang-ky-vaccine-ngua-covid-19

Một tin nhắn chứa đường link giả mạo nhưng sử dụng thương hiệu ngân hàng khiến khách hàng dễ bị lừa. Ảnh minh họa 

Để tự bảo vệ mình, khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào qua các đường dẫn chưa được xác nhận. Khi nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, khách hàng nên khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến, ngân hàng điện tử, đổi mật khẩu của dịch vụ đang bị kẻ gian tìm cách đánh cắp, gọi điện ngay cho tổng đài chính thức của ngân hàng.

Nam A Bank cũng vừa lưu ý khách hàng về tình trạng các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn SMS với đường link giả mạo ngân hàng và yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập, mật khẩu dịch vụ internet banking để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Tin nhắn sử dụng chính thương hiệu của ngân hàng và đường link giả mạo thường chỉ khác một vài ký tự so với đường link thật của ngân hàng.

Các tin nhắn thường có nội dung tinh vi như "Chủ tài khoản đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ phải trả hàng tháng là 2 triệu đồng. Nếu không phải là người mở dịch vụ thì bấm vào đường link để hủy"; "Tài khoản của quý khách hiện tại đang bị khóa. Đề nghị đăng nhập đường link để xác thực hôm nay"; "Phát hiện tài khoản của bạn đăng nhập khác vùng bất thường, vui lòng đăng nhập đường link để xác nhận thông tin và thay đổi mật khẩu".

Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn, không đăng nhập dịch vụ của ngân hàng từ các tin nhắn lạ, trên các thiết bị dùng chung, không cung cấp các thông tin giao dịch qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai. Khách hàng cũng không nên sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng khác.

Theo VietQ