Ngăn chặn website quảng cáo 'lố' về sản phẩm: Chẳng lẽ 'bó tay'?

Nhiều website quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Doanh nghiệp phủ nhận website đó là của mình khi bị kiểm tra.

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa ra khuyến cáo về các website kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo.

ngan-chan-website-quang-cao-lo-ve-san-pham-chang-le-bo-tay

Cục ATTP cảnh báo việc quảng cáo Viên xương khớp Kingphar New không đúng quy định trên nhiều website. 

Rất nhiều sản phẩm chỉ là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe nhưng được các website này quảng cáo vống thành thuốc chữa bệnh với rất nhiều công năng. Chẳng hạn như: Viên xương khớp Kingphar New của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam (địa chỉ: Số B58 đường Nguyễn Thị Định, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) quảng cáo trên các website: sieuthihaohao.com; nhathuoctrungnguyen.com, chuyenkhoaxuongkhop.net, shopee.vn, facebook.com…

Hay website:https://vietnamds.com/san-pham/vitamin-zeambi-drops-multi-vitamins-30ml/ đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ZEAMBI Drops Multi – Vitamins vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, đơn vị này đã mời các công ty lên làm việc, tuy nhiên đại diện các công ty này đều khẳng định sản phẩm đang quảng cáo trên website trên không phải của họ thực hiện, do đó, doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.

“Với các trường hợp phát hiện sai phạm trong quảng cáo sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website nêu trên", đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Theo cục An toàn thực phẩm, không riêng gì các doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN khi bị cơ quan mời lên làm việc không thừa nhận sản phẩm quảng cáo trên các website đó là của mình, từ đó doanh nghiệp không chịu trách nhiệm.

Nhận định về tình trạng trên, ông Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho rằng, việc quảng cáo vống tác dụng của sản phẩm để bán được hàng diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh online. Một sản phẩm vitamin mà được quảng cáo có thể ngăn ngừa cả ung thư thì có thể thấy việc làm này là vi phạm.

“Rõ ràng các doanh nghiệp này đang lách luật để “lộng hành”. Còn Cục An toàn thực phẩm thì đành “bó tay” và chỉ dừng lại ở mức cảnh báo đến người tiêu dùng không mua sản phẩm tại các website đó”, ông Thịnh nói.

Hiện, các trường hợp vi phạm về quảng cáo đã được chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập website) để xử lý theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều website vẫn ngang nhiên quảng cáo, bất chấp các quy định xử phạt từ cơ quan chức năng.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, để việc quản lý có hiệu quả hơn nữa, tránh tình trạng doanh nghiệp nhờn luật, nên tăng cường rà soát, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm, rốt ráo hơn nữa những đơn vị quảng cáo sai phạm. Người tiêu dùng cũng nên thận trọng và sáng suốt hơn khi lựa chọn các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tránh mua và sử dụng sản phẩm bừa bãi không theo tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa.

Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối:

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi “nổ” trong lĩnh vực quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Ngoài ra còn phải:
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo
- Buộc cải chính thông tin

Theo VietQ