Ngăn chặn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Chú ý doanh nghiệp trong “danh sách đen”

Việc nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt không chỉ đẩy nhiều DN nội địa chân chính trước bờ vực phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải siết chặt lại hoạt động cấp chứng nhận xuất xứ (C/O), áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh với các hành vi gian lận này thay vì chỉ xử phạt hành chính.

Thiệt đơn, thiệt kép vì gian lận xuất xứ

Thời gian qua, đã có nhiều bài học đắt giá khi một số ngành hàng của Việt Nam bị Mỹ áp thuế trừng phạt do bị "vạ lây" từ nước láng giềng. Chẳng hạn, năm 2009, Mỹ khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi PE xuất khẩu từ Việt Nam. Kết thúc điều tra, túi PE của Việt Nam bị Mỹ áp thuế CBPG ở mức 52,3 - 76,1%, và bị chồng thêm thuế chống trợ cấp từ 5,2 - 52,5% và duy trì cho đến nay, dù trước đó mặt hàng này của Việt Nam có thuế suất nhập khẩu vào Mỹ rất thấp. Tương tự, tháng 3/2018, Mỹ tiếp tục khởi kiện chống bán phá giá với sản phẩm bao dệt PP được xuất khẩu từ Việt Nam.

ngan-chan-hang-trung-quoc-doi-lot-hang-viet-chu-y-doanh-nghiep-trong-danh-sach-den
 Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại siêu thị HC

Việc áp thuế trừng phạt này đã ảnh hưởng lớn đến ngành nhựa, bởi đây là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ, từng chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa. Đáng chú ý, trong cả hai vụ kiện nêu trên, sản phẩm bị kiện của Việt Nam đều có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ.

Tỷ lệ tăng trưởng cao này chủ yếu rơi vào các công ty FDI đến từ Trung Quốc có đầu tư nhà máy sản xuất "trá hình" tại Việt Nam. "Điều đáng nói là những công đoạn sản xuất mà các DN này đặt tại Việt Nam chỉ là một phần cuối trong chuỗi quy trình sản xuất như ép, cắt, chia cuộn ra thành phẩm để xuất khẩu. Thậm chí sau khi bị phía Mỹ nêu đích danh điều tra, bị đơn chính trong vụ kiện túi PE cũng mất tích tại Việt Nam" - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) Hồ Đức Lam cho hay.

Không chỉ có nhựa, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang phải chịu hậu quả của tình trạng gian lận xuất xứ. Gần đây, nhất là khi một số sản phẩm thép Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế lên tới 456%, không chỉ gây thiệt hại nặng cho ngành hàng này mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế 456% đối với thép Việt Nam từ tháng 7/2019 không phải là điều quá bất ngờ, bởi các nhà sản xuất thép Việt Nam vốn dĩ nhập nhiều nguyên liệu thép từ Trung Quốc về sản xuất để xuất khẩu nên Mỹ đã đưa mặt hàng này vào tầm ngắm từ năm 2017.

Siết chặt kiểm tra, tăng mức xử phạt

Khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ đã bị đắt hơn, khiến các DN Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến nhiều DN Việt, ngành hàng lao đao. Ngoài ra, các DN Trung Quốc cũng chọn Việt Nam là nơi trung chuyển để "sơ chế" hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, thực tế cho thấy, có hiện tượng buông lỏng cấp C/O, chính quyền xác nhận khống nguồn gốc sản phẩm cho việc cấp C/O, tạo điều kiện cho các DN gian lận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, để kịp thời ngăn chặn, cục đã "khoanh vùng" 15 nhóm hàng (dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; gỗ và các sản phẩm gỗ...) có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ do có sự gia tăng đột biến về kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường Mỹ. “Để tăng sức răn đe, cần nâng chế tài xử phạt, thậm chí là tội hình sự, chứ không chỉ phạt hành chính từ 3 - 30 triệu đồng như hiện nay” - ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt việc cấp C/O để ngăn chặn nguy cơ lợi dụng xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để lẩn tránh thuế từ nước khác. Theo đó, không cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.

Trước khi cấp C/O, cơ quan chức năng cần lưu ý các DN nằm trong "danh sách đen", chỉ lập những cơ sở hoặc thuê mướn mặt bằng làm cơ sở, hay chỉ chọn Việt Nam làm các công đoạn gia công đơn giản như đóng gói bao bì, dán nhãn... Đặc biệt, cần siết chặt kiểm tra đối việc các DN FDI tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O.

"Thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu, kiểm soát chặt với các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bất thường. Đặc biệt, lưu ý một số DN FDI lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để gia công đơn giản hàng nhập để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. " - Cục trưởng Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải quan Nguyễn Hùng Anh

"Căn cơ nhất là phải có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ để xác định rõ nguồn gốc có phải hàng Việt Nam hay không. Tổng cục đã đề xuất Bộ Công Thương đứng ra chủ trì Đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào công tác truy xuất nguồn gốc, chống giả mạo chứng nhận xuất xứ hàng hóa." - Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh

"Để qua mắt lực lượng chức năng, hiện phương thức gian lận xuất xứ khá tinh vi, thường là sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam. Nhãn mác Made in Vietnam được hợp thức hóa bằng nhiều hình thức, làm giả tinh vi, luồn lách hệ thống pháp luật. Song song với đó, khâu phân phối, tiêu thụ các mặt hàng quá dễ dàng, đặc biệt là hàng bán trên mạng, rất khó kiểm soát, xử lý." - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Ánh Ngọc

Theo TieuDung24h