Năm học 2019 - 2020: Nhiều "điểm nóng" cần khắc phục trong giáo dục

Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020 ngành giáo dục cả nước thực hiện các giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, tổ chức tốt các kỳ thi, đảm bảo an toàn cho học sinh...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ thị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong năm học 2019 - 2020.

Cụ thể, các địa phương tăng cường rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở "đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên"; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.

Nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Kiên quyết xử lý nghiêm giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo (không bố trí đứng lớp đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo).

nam-hoc-2019-2020-nhieu-diem-nong-can-khac-phuc-trong-giao-duc

Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị năm học 2019 - 2020 với nhiều nhóm giải pháp.

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo thẩm quyền.

Ngoài ra, tăng cường các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ; huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ ăn bán trú; bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn của trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non.

Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón, thăm quan, dã ngoại.

Triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Phát động phong trào học bơi và hướng dẫn phòng, chống đuối nước cho học sinh, sinh viên.

Đối với công tác khảo thí, tổ chức tổng kết, đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020; chuẩn bị phương án tổ chức thi THPT quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và sau năm 2023; tiếp tục thực hiện các chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế về giáo dục.

Giám sát, đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục để quản lý chất lượng bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về thi, đánh giá, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là đối với kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Theo GiaDinh