Mưa đá to như quả trứng xuất hiện ở vùng núi: Vì sao không thể dự báo được chi tiết?

Nhiều nơi ở miền Bắc hôm nay có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của hội tụ đới gió Tây trên cao nên từ hôm nay (24/3) đến ngày 25/3 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông (lượng mưa phổ biến 10-30mm/24h), riêng vùng núi có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa 40-70mm/24h), mưa dông tập trung vào chiều và đêm. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

mua-da-to-nhu-qua-trung-xuat-hien-o-vung-nui-vi-sao-khong-the-du-bao-duoc-chi-tiet

Mưa đá liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ đầu năm. Ảnh: FB

Vào trưa chiều qua, mưa đá đã xảy ra ở một số huyện vùng núi thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình với kích thước hạt đá tương đối lớn. Hậu quả làm làm hư hỏng một số mái nhà của người dân, nhiều diện tích lúa đang thời kỳ đẻ nhánh cùng hoa màu dập nát.

Từ đầu năm 2020 đến nay, 4 đợt mưa đá lớn đã xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về nhà cửa hoa màu, trong đó mưa đá vào chiều 30 và mùng một Tết Canh tý là sự kiện chưa từng được ghi nhận trong lịch sử.

mua-da-to-nhu-qua-trung-xuat-hien-o-vung-nui-vi-sao-khong-the-du-bao-duoc-chi-tiet

Kích thước hạt mưa đá lớn với mật độ dày. Ảnh: FB

Lý giải về việc mưa đá thường xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu, bao gồm các hạt băng (nước đá) trong suốt hoặc không trong suốt có kích thước khác nhau, nhỏ như hạt đậu hay to như quả bưởi.

Hầu hết các vùng miền trên lãnh thổ nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, các tỉnh miền Bắc thường hay chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về, kết hợp với hội tụ gió tây nam trên cao là nguyên nhân gây ra mưa đá.

mua-da-to-nhu-qua-trung-xuat-hien-o-vung-nui-vi-sao-khong-the-du-bao-duoc-chi-tiet

Mưa đá làm thủng nhà dân. Ảnh: FB

Mưa đá thường hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc giữa nóng sang lạnh (tháng 3,4,5,6 hoặc tháng 8,9,10 và 11).

Vào các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và dông mạnh, kèm theo mưa đá. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.

Lý giải về nguyên nhân tại sao không dự báo được chi tiết các trận mưa đá, cơ quan dự báo khí tượng cho biết, dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh.

mua-da-to-nhu-qua-trung-xuat-hien-o-vung-nui-vi-sao-khong-the-du-bao-duoc-chi-tiet

Mái nhà bị thủng sau mưa đá. Ảnh: FB

Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì hãy cảnh giác với mưa đá.

Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu chỉ ra khả năng sắp có mưa đá. Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá.

Tuy nhiên, dù mưa đá là hiện tượng thường xảy ra vào dịp giao mùa song trận mưa đá diện rộng vào mùng một Tết Canh Tý được ghi nhận chưa từng xảy ra.

Theo GiaDinh