Mối nguy hiểm từ những viên pin

Viên pin là sản phẩm giúp điều khiển từ xa, quạt máy, điều hòa...hoạt động. Tuy nhiên việc phân loại để riêng pin thải ra khi vứt rác không mấy ai để ý.

Hầu hết các gia đình, cơ quan, đơn vị đều có hàng chục, thậm chí hàng trăm thiết bị sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện… và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng pin đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác để hủy như các loại rác thông thường vì tính độc hại của chúng là rất cao. 

Thực tế có mấy ai trong chúng ta chú ý phân loại để riêng pin thải ra khi vứt rác, thậm chí nhiều người tặc lưỡi vứt chung vào các loại rác thông thường cùng suy nghĩ dù có phân loại ra thì cuối cùng vẫn dồn chung hết. Nếu không được phân loại xử lý đúng cách, chất độc trong viên pin tưởng như nhỏ bé ấy sẽ phát tán ra môi trường, hủy hoại tự nhiên, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

moi-nguy-hiem-tu-nhung-vien-pin

 Mối nguy hiểm tiềm ẩn từ những viên pin đã qua sử dụng. Ảnh minh họa

Trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín… Đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người. Pin có cả axít nên khi phân hủy gây ăn mòn đồ vật chứa đựng pin như hộp nhựa, hộp kim loại, sau đó thẩm thấu ra ngoài, ngấm theo mạch nước ngầm chảy đi khắp nơi. Nếu tập trung pin thải ở các bãi rác lộ thiên, nước mưa sẽ cuốn thứ nước độc hại rỉ ra theo nước mặt chảy xuống ao hồ, sông suối rồi theo dòng chảy ra biển.

Hầu như không có thành phần nào trong viên pin thân thiện với môi trường. Chúng ta không phủ nhận được tính tất yếu, cần thiết của pin, nhưng xử lý pin thải sao cho hợp lý vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Thói quen thu gom pin thải xử lý phân loại rác từ đầu nguồn vẫn còn là khái niệm xa lạ với đa số người dân.

Nếu hít thở phải bụi có chứa Cadimi (Cd) trong pin sẽ dẫn đến các vấn đề về hệ hô hấp và thận, có thể gây tử vong. Thậm chí, nuốt phải một lượng nhỏ cadimi sẽ phát sinh ngộ độc tức thì và tổn thương gan, thận. Các hợp chất chứa cadimi cũng là các chất gây ung thư.

Ngoài ra, chất độc hại trong pin theo nước chảy ra sông, biển ảnh hưởng đến các loại thủy sinh bao gồm cả hải sản. Đi vào chuỗi thức ăn của con người, chúng ta sẽ ăn cá, tôm, hải sản… còn dư lượng kim loại nặng như chì, thủy ngân - loại kim loại mà khi vào cơ thể sẽ không có cách đào thải ra được. Ngày này qua tháng khác, dư lượng tích tụ sẽ lớn dần đến khi đủ phát bệnh thì mọi nỗ lực cứu chữa đều thất bại.

Một lượng nhỏ chì cũng có thể gây hại cho cơ thể. Nó có xu hướng thay thế vị trí của tất cả các kim loại khác trong cơ thể người. Ví dụ chì sẽ chiếm chỗ của canxi trong xương, chiếm chỗ của kẽm và canxi trong các protein, chiếm chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện não, thay thế sắt trong máu…

Chì gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận…

Khi nhiễm độc kẽm, người bệnh thường nôn mửa nhiều và có thể bị chảy máu đường ruột. Tình trạng chung của cơ thể thường không ổn định, hay run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên, đôi khi bị tê liệt.

Các nhà khoa học đã tính toán lượng chất độc hại có trong một viên pin sẽ gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc một mét khối đất trong vòng 50 năm. Do đó, cần có chế tài nghiêm khắc, hỗ trợ xây dựng các dây chuyền xử lý triệt để pin thải hoặc tái chế ra sản phẩm có ích. Có như vậy vấn nạn “pin thải” sẽ được hạn chế, môi trường bớt đi ô nhiễm, giữ cho ngôi nhà chung trái đất được sạch sẽ, an toàn.

Theo VietQ