Miễn học phí, hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng có thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm?

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, sinh viên sư phạm được miễn học phí, hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cho rằng vẫn chưa tạo được sức hút sinh viên giỏi vào sư phạm.

Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Theo dự thảo, Nghị định sẽ áp dụng đối với học sinh, sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, đào tạo bằng hai chính quy, đào tạo liên thông chính quy được giao nhiệm vụ đào tạo tại cơ sở đào tạo.

Về hỗ trợ tiền đóng học phí, học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Cũng theo dự thảo, sau khi tốt nghiệp, công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trường hợp không đủ thời gian, không công tác trong ngành giáo dục sẽ phải hoàn trả lại học phí, kinh phí hỗ trợ.

Các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là: Đang trong thời gian học nhưng bỏ học, chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ; Bị đình chỉ học tập sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian bị đình chỉ.

mien-hoc-phi-ho-tro-3-63-trieu-dong-thang-co-thu-hut-duoc-sinh-vien-gioi-vao-su-pham

Hiện nay khối ngành sư phạm đang "thất thế" so với các ngành "hot" khác. Ảnh minh họa

Nghị định của Bộ GD&ĐT được xem là tin vui đối với những thí sinh có mong muốn thi vào sư phạm trong thời gian tới, bởi ngoài miễn học phí, khoản hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cũng là một khoản lớn, đủ chi phí sinh hoạt trong những năm tháng đi học. Những sinh viên nghèo muốn vào sư phạm để theo đuổi ước mơ làm nhà giáo, đây được coi là cứu cánh.

Chỉ ra một thực tế ngành sư phạm ngày càng mất vị thế, khó thu hút được sinh viên giỏi như trước đây, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm lấy điểm khá thấp, điều này cho thấy sức hút đã giảm mạnh so với các ngành nghề khác như: công an, quân đội, kinh tế, tài chính…

Cũng theo vị Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, các ngành như công an, quân sự chẳng hạn luôn thu hút được thí sinh giỏi đăng ký vào bởi sinh viên học không phải đóng học phí, ra trường không phải lo đi xin việc, lương lại rất cao. Trong khi đó, ngành sư phạm dư thừa nhiều, lương lại rất thấp, giáo viên "bấp bênh" với nghề. 

Nhận định về dự thảo hỗ trợ sinh viên sư phạm của Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng dù đã có những mức hỗ trợ cần thiết, song nếu nhìn vào thực trạng hiện nay đang dư thừa nhân lực, mức lương giáo viên còn thấp… là những lý do khiến ngành sư phạm cũng khó có thể thu hút được người học, nhất là những thí sinh giỏi, có điểm thi cao.

"Trước đây học sư phạm không phải đóng học phí, ra trường cũng dễ xin việc làm, lương nhà giáo thời đó dù thấp nhưng vẫn có thể chấp nhận được vì cả xã hội đều khó khăn. Nhưng thời nay đã khác, nhiều gia đình không ngần ngại chuyện đóng học phí cao, cốt sao con em có việc làm lương cao. 

Vấn đề vẫn nằm ở chỗ đó, nếu ngành sư phạm giải quyết được câu chuyện việc làm, mức lương tự sinh viên giỏi sẽ tìm đến và chấp nhận đóng học phí chứ không cần miễn phí"- GS.TSKH Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.

Theo GiaDinh