"Mánh lừa đảo" từ trào lưu livestream bán hàng



Từ người kinh doanh nhỏ lẻ đến các nhãn hàng, hệ thống thương mại điện tử ở Việt Nam đều đua nhau livestream (phát trực tiếp trên Facebook) để giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh những mục đích làm ăn chân chính, không ít kẻ lợi dụng tính năng livestream trên Facebook để câu like, lừa đảo.

Livestream đã trở thành một trào lưu bán hàng mới trên Facebook (ảnh chụp màn hình).

Mở Facebook là thấy livestream

Tháng 8/2015, Facebook lần đầu ra mắt tính năng phát video trực tiếp tới người dùng. Livestream là một trong những phương thức của mô hình Social Commerce (thương mại điện tử tương tác) kết hợp giữa thương mại điện tử với các nền tảng mạng xã hội làm tăng tính tương tác giữa người dùng và nhà bán hàng; giữa những người dùng với nhau, tạo điều kiện và khuyến khích người dùng chia sẻ, trao đổi về những kinh nghiệm mua sắm online.

Trong khi chi phí quảng cáo Facebook ngày càng đắt đỏ thì giá Livestream gần như bằng 0. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet, bạn đã có thể tự tổ chức cho mình một buổi phát sóng tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng. Với những lý do đó, chỉ sau 2 năm ra mắt, ứng dụng livestream của Facebook đã trở thành một trong những kênh bán hàng hữu hiệu của các nhãn hàng, hệ thống thương mại điện tử cũng như những kênh bán lẻ.

Cứ đến những giờ vàng, trưa từ 11- 14h hay tối từ 19- 21h là chị Lê Thị Hồng – chủ một shop quần áo trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại chuẩn bị “đồ nghề” cho buổi livestream giới thiệu sản phẩm mới. Theo chị Hồng, với cách livestream mới chị đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí quảng cáo.

“Thấy nhiều shop livestream bán hàng quá dễ mà lượng người tiếp cận lại cao nên tôi cũng thử livestream. Lần đầu livestream, video của tôi đã thu hút được hơn 300 lượt xem, gần 500 bình luận, điều này khiến tôi thật sự bất ngờ. Với lượng tiếp cận này, bình thường tôi sẽ phải mất đến gần 100.000 đồng tiền quảng cáo nhưng giờ chi phí gần như bằng 0” chị Hồng cho biết.

Theo chị Hồng, một trong những nguyên nhân khiến tính năng livestream trở thành công cụ bán hàng đắc lực của các chủ shop là khi livestream khách hàng sẽ tận mắt được thấy sản phẩm, nó đánh vào đúng tâm lý của khách hàng khi mua hàng qua mạng. Hơn nữa, livestream cũng tạo cơ hội cho chủ shop được giao lưu, tư vấn trực tiếp với khách hàng, tạo ra niềm tin và sự gần gũi với khách hàng.

Sau buổi livestream thành công ngoài sức mong đợi, cứ mỗi khi có chương trình giảm giá hay có hàng mới về, chị Hồng lại livestream quảng cáo sản phẩm. Chị Hồng không phải là trường hợp duy nhất nắm bắt cơ hội bán hàng qua mạng này. Rất nhiều người bán hàng online đang dần chuyển qua hình thức livestream.

Các nhãn hàng, các trang thương mại điện tử cũng không bỏ qua cơ hội làm ăn béo bở này. Với công thức thuê người nổi tiếng livestream, các clip livestream của các nhãn hàng thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Vào tháng 11/2016, clip livestream của nữ ca sĩ Tóc Tiên giới thiệu một thương hiệu son môi thu hút gần 160.000 lượt xem, hơn 3.000 bình luận và hơn 12.000 lượt bày tỏ cảm xúc.

Buổi livestream dài hơn một giờ của diễn viên Tú Vi giới thiệu một thương hiệu sữa chống nắng hồi đầu tháng này cũng thu hút hơn 102.000 lượt xem và hơn 8.800 lượt bày tỏ cảm xúc. Với hình thức quảng cáo hoàn toàn mới này, các nhãn hàng đã tiết kiệm được chi phí khá nhiều mà kết quả có thể trông thấy ngay lập tức.

Từ kinh doanh chân chính đến lừa đảo câu like

Nhận thấy những tiện ích mà livestream đem lại, người người, nhà nhà đua nhau livestream. Không chỉ có các shop quần áo, mỹ phẩm mà các salon tóc, studio, các viện thẩm mỹ, spa... cũng “ầm ầm” đi theo trào lưu khi quay trực tiếp các khách hàng vừa mới được sử dụng dịch vụ như một cách quảng bá cho tay nghề của họ. Trào lưu livestream cũng lan tỏa đến các “mẹ bỉm sữa” bán bơ, bán hải sản. Điều này đã khiến nhiều người sử dụng Facebook phải thốt lên rằng “mở máy lên là thấy livestream”.

Tuy nhiên, thay vì mục đích thu hút khách hàng, tăng doanh thu bán hàng, có một số người đã lợi dụng livestream để câu like. Chiêu thức của các đối tượng này thường là đăng bán sản phẩm với mức giá "rẻ như cho", người dùng chỉ cần like fanpage, share bài viết và để lại thông tin cá nhân để được mua sản phẩm.

Bằng cách đánh vào tâm lý ham của rẻ của rất nhiều người, chỉ trong thời gian ngắn, các fanpage lừa đảo này sẽ có một lượng like nhất định. Khi đạt được mục đích, họ sẽ đổi tên fanpage và bán cho những người có nhu cầu với giá vài triệu đồng. Các thông tin cá nhân ban đầu sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất…

“Thấy shop này đăng bán quần áo second hand với mức giá chỉ 25.000 đồng cho một sản phẩm, mà toàn sản phẩm mới, mẫu mã cũng đẹp, tôi ham hố làm theo hướng dẫn là like fanpage, share clip rồi comment số điện thoại. Tôi còn chuyển khoản số tiền 60.000 đồng để mua sản phẩm nhưng đợi một thời gian mãi không thấy sản phẩm đâu. Tôi quay lại trang fanpage để hỏi thì thấy trang quần áo hôm trước tôi xem đã được đổi tên thành một trang hoàn toàn khác, clip livestream hôm trước cũng không còn. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa”, chị V, một nạn nhân chia sẻ.

Ngoài ra, tính năng phát livestream của Facebook cũng được một số đối tượng sử dụng để phát tán những video chứa hình ảnh nhạy cảm. Thường thì phần nội dung sẽ chỉ có vài dòng gợi mở và một đường link rút gọn bên dưới để dụ dỗ người xem nhấp vào.

Khi nhấn vào, bạn sẽ được chuyển ngay đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo với giao diện y hệt trang "chính chủ", tuy nhiên dòng địa chỉ lại hoàn toàn lạ hoắc. Nếu nhẹ dạ mà đăng nhập, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt và sử dụng cho nhiều mục đích xấu như đi spam người khác, ăn cắp thông tin cá nhân, hoặc bán tài khoản của bạn.

Rõ ràng, livestream là một phương thức bán hàng hoàn toàn mới trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người mua hàng cũng nên cẩn trọng trước những hình thức bán hàng lừa đảo, không nên ham rẻ mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Khi mua hàng cũng nên lựa chọn những cửa hàng, những thương hiệu uy tín để tránh trường hợp “tiền trao mà cháo không thấy đâu”.

“Ngày trước mỗi khi có hàng mới tôi phải thuê mẫu, thuê người chụp ảnh, chi phí tính ra cũng phải mất hơn 1 triệu đồng. Giờ livestream tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Mà hồi trước chụp đẹp thì có người chê hàng không đúng thực tế, chụp xấu thì bán không được, bây giờ livetream thực tế nên mọi người đều có thể quan sát chất liệu, hình dáng, màu sắc của quần áo”, chị Thanh – chủ một shop nhỏ chuyên bán quần áo nữ - cho biết.

Theo GiaDinh