Lý do Bộ Y tế kiến nghị kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội đến hết tháng 4?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện bởi đây là biện pháp quan trọng để khống chế dịch bệnh.

 Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp giao ban với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng nhận định chỉ thị 15, 16 đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi, khó khăn hơn nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt. Lãnh đạo Chính phủ nhận định chính nhờ sự tuân thủ này mà Việt Nam khống chế được dịch.

“Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng mà Chính phủ, ban chỉ đạo các cấp, các ngành đã thực hiện. Vậy ta thấy hiện nay nên tiếp tục hay không? Có cần thiết phải tiếp tục hay như thế nào?”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu Thường trực Chính phủ nêu ý kiến tại cuộc họp.

ly-do-bo-y-te-kien-nghi-keo-dai-thoi-gian-cach-ly-toan-xa-hoi-den-het-thang-4

Hà Nội vắng lặng trong những ngày cách ly toàn xã hội 

Từ góc độ cá nhân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19.

"Do thực hiện cách ly toàn xã hội, dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp. Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, hiện chưa có người tử vong", ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng kiến nghị các tỉnh thành cần tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ; ngoài ra đẩy mạnh, mở rộng xét nghiệm trên phạm vi rộng hơn, nhất là với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Bộ Y tế đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Bộ Công an cần chỉ đạo công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.

"Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

ly-do-bo-y-te-kien-nghi-keo-dai-thoi-gian-cach-ly-toan-xa-hoi-den-het-thang-4

Trước đó, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Theo GiaDinhVietNam