Luật sư Phạm Công Út bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư TP HCM

Ông Phạm Công Út – người đang tham gia bào chữa trong phiên tòa xử cựu lãnh đạo Navibank - vừa bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư TP HCM do nhận 1 tỉ đồng của khách hàng nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng.

Chiều 12-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM - xác nhận Đoàn Luật sư TP HCM đã ra quyết định xử lý kỷ luật luật sư Phạm Công Út (Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) bằng hình thức xóa tên khỏi Đoàn Luật sư TP HCM.

Ông Phạm Công Út được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề ngày 21-1-2009 và được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ luật sư vào ngày 21-7-2017.

luat-su-pham-cong-ut-bi-xoa-ten-khoi-doan-luat-su-tp-hcm

Ông Phạm Công Út tham gia bào chữa trong phiên tòa xử các cựu lãnh đạo Navibank

Ông Út bị xóa tên ra khỏi Đoàn Luật sư TP HCM vì lý do: Ông Út ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng và nhận ngay 1 tỉ đồng và sẽ nhận 30% giá trị tài sản thu hồi được. Tuy nhiên, ông Út không có khả năng thực hiện hợp đồng nhưng lại không hoàn trả tiền cho khách hàng.

Khi khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng, ông Út chỉ trả lại cho khách 200 triệu đồng. Khi khách hàng khiếu nại, ông Út nói rằng 200 triệu đồng là do khách mượn và sẽ đòi lại, yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Quá trình hòa giải, ông Út không thừa nhận sai phạm, chỉ trả thêm 300 triệu đồng và ra điều kiện khách hàng phải rút đơn khiếu nại, nếu không sẽ khởi kiện đòi lại tiền.

Theo Đoàn Luật sư TP HCM, hành vi của ông Út đã vi phạm Luật Luật sư cùng Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Phạm Công Út đang tham gia bào chữa cho một bị cáo tại phiên xử cựu lãnh đạo Navibank do tiếp tay cho "siêu lừa" Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Navibank.

Về vấn đề ông Phạm Công Út đang tham gia phiên tòa nhưng bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư TP HCM, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM-Luật sư Nguyễn Văn Trung nói với Báo Người Lao Động rằng: "Chúng tôi đã gửi quyết định xóa tên ông Út ra khỏi Đoàn Luật sư TP HCM đến các cơ quan chức năng. Về nguyên tắc, nếu luật sư bị xóa tên thì không thể tham gia bào chữa mà phải dừng công việc này".

Phạm Dũng

Theo Người lao động

------------------------------

Xem thêm:

Xét xử “đại án” siêu lừa Huyền Như giai đoạn 2: Viện KSND đề nghị từ 8 – 15 năm tù đối với mỗi bị cáo

Với quan điểm cho rằng lời khai của bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank), không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra và không phù hợp với lời khai của các nhân viên Navibank nên đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trí với mức án từ 14-15 năm tù.

Chiều 12/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank).

xet-xu-dai-an-sieu-lua-huyen-nhu-giai-doan-2-vien-ksnd-de-nghi-tu-8-15-nam-tu-doi-voi-moi-bi-cao
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 12/3.

Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND cho rằng 10 bị cáo vi phạm thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước và điều 94 Luật các Tổ chức tín dụng. Ngoài bị cáo Lê Quang Trí bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù, đại diện Viện KSND cũng đề nghị mức án dành cho 9 bị cáo còn lại như sau: Nguyễn Giang Nam (SN 1971, nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank), Đoàn Đăng Luật (SN 1978, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn), Trần Thanh Bình (SN 1980, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Huỳnh Vĩnh Phát (SN 1974, nguyên Trưởng phòng Kế toán), mỗi bị cáo từ 12-13 năm.

Các bị cáo bị đề nghị mức án từ 10-11 năm, gồm: Cao Kim Sơn Cương (SN 1967) và Nguyễn Hồng Sơn (SN 1974, cả 2 đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank). Bị cáo Đinh Thị Đoan Trang (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, từ 9-10 năm). Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (SN 1979, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro, từ 8-9 năm).

Trường hợp bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (SN 1968, nguyên Trưởng phòng Pháp chế), đại diện Viện KSND cho rằng tuy có vai trò hạn chế, lẽ ra mức án thấp hơn. Nhưng trong quá trình điều tra, bị cáo luôn kêu oan và trong quá trình xét xử chưa ăn năn, hối cải nên đề nghị 8-9 năm tù!

Về biện pháp tư pháp, đại diện Viện KSND cũng đề nghị HĐXX tuyên Navibank nay là Ngân hàng TMCP Quốc Dân nộp lại trên 24,3 tỷ đồng là tiền lãi khi cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank.

Viện KSND cũng nhận định hành vi của của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do vậy cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng pháp luật.

Ngày mai phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa bảo vệ cho các bị cáo.

Tân Tiến

Theo TieuDung24h