Loạn giá, xuất xứ bếp từ Munchen: Nhà phân phối không biết mình có bao nhiêu đại lý?!

Trước “ma trận” về giá cả, thông tin xuất xứ mà các đại lý, cửa hàng đưa ra, PV Thương Trường đã liên hệ vớiCông ty cổ phần JD Việt Nam - đơn vị phân phối bếp từ.

Mã vạch các nhãn hiệu lớn thường khó tìm?

Trên các website cũng như lời tư vấn của nhân viên bán hàng đều khẳng định, bếp từ Munchen là thương hiệu nổi tiếng ở Đức và châu Âu. Các showroom cũng cho rằng, mình là đại lý cung cấp sản phẩm chính hãng, có đầy đủ nhãn mác, mã vạch, và các giấy tờ chứng nhận xuất xứ…

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm hiểu trên thanh công cụ Google, tất cả các đường link bài viết (trong đó có cả tiếng Anh) đều dẫn đến từ các đại lý, cửa hàng có địa chỉ ở Việt Nam, hoàn toàn không có thông tin nào thể hiện nhãn hàng này là thương hiệu Đức hay chủ sở hữu của một doanh nghiệp tại Châu Âu.

Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra mã vạch trên một số sản phẩm, phần mềm quét mã vạch và các website kiểm tra đều thông báo không tìm được.

bai-2-loan-gia-xuat-xu-bep-tu-munchen-nha-phan-phoi-khong-biet-minh-co-bao-nhieu-dai-ly

Một showroom bán bếp từ Munchen nằm trên đường Láng. 

Giải thích về điều này, nhân viên tại cửa hàng trên đường Láng cho hay: “Mã vạch của các hãng lớn thường sẽ tìm không ra, tuy nhiên có thể kiểm tra bằng cách quét mã QR”. Đoạn nhân viên này đã thử thao tác cho PV xem bằng cách quét mã QR. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu từ Đức, nhưng thông tin từ mã quét mã QR hiện ra lại được bằng tiếng Việt?!

Theo tìm hiểu của PV, để có mã vạch, các doanh nghiệp phải đăng ký và có những quy định nhất định để được cấp mã. Tuy nhiên, với mã QR lại khác. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào cũng có thể tự tạo một mã QR cho mình. Và rất nhiều website hướng dẫn và tạo mã QR miễn phí cho những ai có nhu cầu.

Như vậy, những thông tin từ mã QR mà nhân viên bán bếp từ Munchen thử quét cho chúng tôi xem, liệu có giá trị và đáng tin?

bai-2-loan-gia-xuat-xu-bep-tu-munchen-nha-phan-phoi-khong-biet-minh-co-bao-nhieu-dai-ly

Mã vạch trên các mã hàng bếp từ Munchen không kiểm tra được bằng các phần mềm. 

Không chỉ bán mỗi nơi một giá khác nhau, điều khiến khách hàng tỏ ra khá hoang mang ở chỗ, cửa hàng nào cũng khẳng định mình là đại lý chính hãng. Nếu khách hàng thắc mắc về sự chênh lệch của giá, nơi bán giá cao sẽ “tố” những nơi bán giá thấp hơn là hàng giả, còn những nơi niêm yết giá rẻ thì khẳng định, mình là đại lý cấp 1, “ăn” phần trăm ít nên mới như vậy.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi được một nhân viên cửa hàng trên đường Tây Sơn tiết lộ: “Giá niêm yết là do hãng tự đặt ra, có thể tăng lên hoặc hạ xuống, còn đại lý lại dựa vào giá niêm yết đó để chiết khấu cho khách hàng, vì thế mới sự chênh lệch như vậy”.

Đại lý: “Tôi bán chính hãng”, nhà phân phối: “Họ không còn là đại lý của công ty”

Khi bày tỏ muốn tìm hiểu về giấy CO (giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm) và giấy CQ (giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm), nhân viên tại showroom trên đường Láng đã đưa cho phóng viên xem một tờ giấy photo nói là CO nhập hàng năm 2019. Còn với giấy CQ là “bí mật kinh doanh” không thể đưa ra. Tương tự như vậy, rất nhiều cửa hàng khác trên đường Tây Sơn (Đống Đa), Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)… khi khách hỏi đến giấy tờ cũng chỉ đưa ra giấy CO và hoàn toàn không có CQ.

bai-2-loan-gia-xuat-xu-bep-tu-munchen-nha-phan-phoi-khong-biet-minh-co-bao-nhieu-dai-ly

Giấy CO của một đại lý nhưng công ty phân phối lại khẳng định, hiện không hợp tác với đại lý này?!

Trước “ma trận” về giá cả, thông tin xuất xứ mà các đại lý, cửa hàng đưa ra, PV Thương Trường đã liên hệ tới Công ty cổ phần JD Việt Nam (Công ty JD) - đơn vị phân phối bếp từ nhãn hiệu Munchen  để tìm hiểu. Tuy nhiên, những câu trả lời của vị đại diện công ty này khiến phóng viên một lần nữa lạc vào “ma trận” bởi sự bất nhất, mập mờ về thông tin.

Trong khi các cửa hàng, đại lý – nơi PV qua khảo sát đều khẳng định mình là đại lý chính hãng, phân phối lại sản phẩm của Công ty JD thì ông Toàn Mỹ - đại diện Công ty JD cho biết, những cửa hàng mà PV nhắc đến hiện không còn là đại lý của Công ty CP JD nữa.

“Nội thất Kường Thịnh, bếp 68, bếp An Thịnh… từng là đại lý của chúng tôi cách đây nhiều năm. Ví dụ như Kường Thịnh ở đường Láng là đại lý của chúng tôi cách đây 7 năm, còn bây giờ thì không biết nữa?! Hiện họ có bán Munchen chính hãng hay hàng giả hay không thì tôi không rõ”, ông Mỹ nói.

Như vậy, theo lời ông Mỹ khẳng định thì giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà các cửa hàng, đại lý này đưa ra được lấy từ đâu, có phải là giấy chứng nhận thật không hay chỉ là sản phẩm photoshop để lừa khách hàng? Đặc biệt, các cửa hàng này không phải là đại lý chính thức của Công ty JD thì lấy sản phẩm từ đâu? Tại sao họ khẳng định sản phẩm được nhập lại của Công ty JD?

Khi được hỏi về nguồn gốc của bếp từ Munchen, ông Mỹ cho hay: “Bên anh đại diện cho hãng Muchen có chi nhánh ở Singapo, bếp từ thì nhập ở nhiều nơi như  Singapo, Tây Ban Nha, Ý, Đức. Nhập nguyên chiếc của Đức cũng có nhưng không nhiều”.

bai-2-loan-gia-xuat-xu-bep-tu-munchen-nha-phan-phoi-khong-biet-minh-co-bao-nhieu-dai-ly

Thông tin về bếp từ Munchen được ghi bằng tiếng Việt  khi quét mã QR. 

Trả lời câu hỏi, vậy khách hàng muốn mua bếp từ Munchen chính hãng ở Hà Nội thì nên đến đâu, người đàn ông này lại nói vòng quanh: “Giờ họ làm giả hàng bên tôi quá nhiều, nhan nhản khắp nơi. Chúng tôi hiện chủ yếu làm đại lý ở các tỉnh, ở Hà Nội cũng rất ít, có khi sắp tới chúng tôi sẽ bỏ, không phân phối nhãn hiệu này”?!

Ông Mỹ nói đại lý, cửa hàng phân phối bếp từ Munchen ở Hà Nội rất ít, tuy nhiên, theo phóng viên tìm hiểu phải có đến hàng chục cửa hàng tại Hà Nội đang bán sản phẩm này rất rầm rộ? Vậy phần lớn các cửa hàng này đều bán bếp từ Munchen giả?

Như vậy, những dấu hiệu “nhập nhèm” trong việc mua bán, phân phối sản phẩm bếp từ Munchen rất rõ ràng. Ai sẽ là người bảo vệ người tiêu dùng khi họ bỏ ra một số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để mua một món hàng không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng?

Bếp từ nhập khẩu từ Đức chỉ chiếm 0,7%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2018 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khai báo đã nhập hơn 2 triệu bếp từ, điện từ (không bao gồm linh kiện, phụ tùng) với tổng giá trị hơn 65 triệu USD.

Trong đó, các sản phẩm đến từ Châu Âu lại có tỷ lệ nhập khẩu rất ít. Cụ thể: Nhập từ Tây Ban Nha 44 nghìn sản phẩm, chiếm 2%; nhập từ Đức 15 nghìn sản phẩm, chiếm 0,7%; các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan cũng chỉ từ 0,2 – 1%...

Đáng chú ý, 91,5% số bếp từ, điện từ này có nguồn gốc từ Trung Quốc (tức gần 2 triệu bếp từ, điện từ).

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Trần Hùng - nguyên Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - Phó Cục trưởng Quản lý thị trường, Tổ trưởng tổ chuyên trách 334 (Bộ Công Thương) cho biết: “Có rất nhiều doanh nghiệp đặt tên thương hiệu của mình bằng những cái tên nước ngoài.

Thậm chí còn quảng cáo rằng sản phẩm của mình có xuất xứ từ nước ngoài nhưng thực tế không phải như vậy. Điều đó gây ra nhiều nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đó là hành vi gian lận thương mại, có thể quy vào việc buôn lậu hàng giả, hàng nhái. Nhiều thương hiệu có tên nước ngoài, sản phẩm còn có nhãn mác, bao bì toàn bằng tiếng nước ngoài nhưng phía dưới lại đề made in Viet Nam rất nhỏ, cũng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm nếu không để ý kỹ”.              

Theo Thương trường