Loại côn trùng lạ tấn công nhà dân ở Phú Yên "phiền phức" ra sao?



Loại côn trùng lạ tấn công nhà dân ở Phú Yên chính là bọ đậu đen, nhà nào “dính” một lần thì dù có đốt đồ, rời nhà đi chỗ khác thì năm sau chúng vẫn theo mùi tìm đến.

Từ đầu tháng 6/2019 tới nay dân ở khu phố 8 và 9, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh, Phú Yên) khốn khổ vì bị côn trùng lạ “tấn công”. Côn trùng này kích thước nhỏ như con mạt, màu xám bóng, mùi hôi tanh nồng nặc.

Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BVTV) Phú Yên xác định loại này là bọ đậu đen. Sáng sớm côn trùng xuất hiện nhiều trên mặt đất, có nắng thì chúng nhảy, bay, bò cả mảng rất nhanh vào chỗ mát, đậu thành vệt ở các chuồng trại, bếp núc và vào cả nhà dân. Nhiều nhà đóng chữa thì chúng luồn lách chui qua khe, rúc vào mọi xó xỉnh trong nhà.

loai-con-trung-la-tan-cong-nha-dan-o-phu-yen-phien-phuc-ra-sao

Người dân dùng đèn khò diệt bọ đậu đen.

Loài bọ này, tháng 6/2016 tại địa bàn TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cũng xuất hiện với mật độ dày đặc, tràn vào nhà dân ở 5 xã Đoàn Kết, Đak Năng, Hòa Bình, Đak Blà, Đak Rơwa.

Bọ nhiều tới mức bám đầy tường, gầm giường, tủ quần áo, nhà bếp, vật gia dụng, xó xỉnh nhà… thành lớp dày đến 10cm, quét dọn gom cả tải mang đi đốt, có ngày phải đốt mấy lần. Khi ăn cơm vớ phải hôm trời mưa bọ thi nhau rơi từ trên mái nhà xuống, nhai cơm trúng bọ hôi rình trong miệng là chuyện thường.

Tuy không cắn người, nhưng chất dịch của bọ có thể làm phần da tiếp xúc bị phỏng rộp. Mùi của chúng làm nhiều người buồn nôn. Dân trất khổ cực vì mùi hôi tanh và phải thường xuyên quét dọn nhà cửa... cản trở sinh hoạt của dân, và vật nuôi vì cảm giác rất khó chịu, làm dân hoang mang, lo sợ.

Da người khi tiếp xúc với côn trùng sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu. Một số trẻ em đã bị bọ đậu đen chui vào tai, phải đến cơ sở y tế gắp ra và sát trùng. Có người làm da mẫn cảm đã bị dị ứng, mẩn ngứa khi vô tình tiếp xúc trực tiếp với loài bọ này.

Kinh nghiệm của người dân cho thấy, ấu trùng bọ đậu đen sống chủ yếu dưới lá mục của các vườn cao su. Vào đầu mùa mưa và nhất là những đêm trăng sáng là thời điểm sinh sản của bọ đậu đen. Chúng xuất hiện đã vài năm nay vào mùa mưa.

loai-con-trung-la-tan-cong-nha-dan-o-phu-yen-phien-phuc-ra-sao

Dân quét dọn bọ đậu đen.

Theo các nhà khoa học, bọ đậu đen sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái nhưng không gây hại thực vật. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao.

Theo GS. NGNS Nguyễn Lân Dũng, nhà nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam, bọ đậu đen là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống như hạt đậu đen. Đầu mùa mưa chúng hay xuất hiện nhiều ở miền Đông và Tây Nguyên như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum. Bọ đậu đen hay xuất hiện tại những ngôi nhà làm bằng gỗ, tre với mật độ ngày càng nhiều.

Chưa có văn bản nào nói chúng gây bệnh, truyền bệnh cho người. Bọ đậu đen di chuyển theo bầy đàn, có tính hướng sáng, hoạt động mạnh nhất vào khoảng 19 - 20 giờ. Bọ có tính hướng sáng nên thường bay vào nhà với mật độ cao, tiết ra mùi hăng hôi rất khó chịu.

Người dân ở nơi bọ đậu đen hoành hành cho biết, kinh khủng là chất dịch hôi nồng của bọ đậu đen thu hút đồng loại, lưu mùi lại trên tất cả mọi thứ đồ đạc, vật dụng… cho nên nhà nào “dính” bọ đậu đen một lần thì dù có phun xịt đến mấy, thậm chí đốt đồ, rời nhà đi chỗ khác thì mùi bọ đậu đen lưu lại vẫn dẫn chúng năm sau tìm đến.

loai-con-trung-la-tan-cong-nha-dan-o-phu-yen-phien-phuc-ra-sao

Ảnh minh họa.

Đã có nhiều biện pháp để diệt bọ đậu đen như dội nước sôi, dùng đèn khò đốt, phun thuốc diệt côn trùng, đốt… nhưng không mấy kết quả. Lực lượng y tế cũng được chỉ đạo kiểm tra để có biện pháp xử lý, nhưng hầu hết các loại thuốc vẫn chưa có thể tận diệt loại bọ này.

Theo kỹ sư Trần Mạnh Trường (Công ty kiểm soát côn trùng Đại Hải, số 789 Tỉnh Lộ 43, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã thử nghiệm diệt bọ đậu đen ở miền Đông và Tây Nguyên, thấy có 2 loại thuốc diệt côn trùng trên thị trường có tác dụng tiêu diệt bọ đậu đen hiệu quả, phun diệt bọ đậu đen trong nhà không gây độc hại cho con người và vật nuôi. Đó là thuốc diệt bọ đậu đen Map.Permethrin 50EC (của Anh), và thuốc diệt mọt đậu đen Fendona 10SC (CHLB Đức).

Hiện Viện Khoa học vật liệu Ứng dụng (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) đang thử nghiệm một số mẫu thuốc để diệt bọ đậu đen từ các hoạt chất tự nhiên không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người. Công trình do TS Hồ Sơn Lâm và cộng sự thực hiện.

Đặc điểm của loại thuốc này là sau khi xịt thì bọ đậu đen sẽ không tiết ra mùi hôi. Bị “dính” thuốc, bọ sẽ chết sinh học, tê liệt hệ thần kinh và chết hẳn sau khoảng 30 phút. Sau 1 tuần bọ đậu đen sẽ ít dần và hết hẳn. Nơi đã xịt thuốc xong bọ đậu đen mới sẽ không dám đến.

Bọ đậu đen (mọt đậu đen) là loài côn trùng cánh cứng, tên khoa học là Mesomorphus villiger, bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Bọ đậu đen trú ngụ ở những nơi như nhà lá, khu đất ẩm thấp... Hàng tháng khi có trăng lên là bọ đậu đen xuất hiện. Buổi chiều tối, khi ánh điện nhà bật sáng là chúng bay vào nhà.

Khuyến cáo người dân xử lý thủ công bằng cách dọn dẹp và vệ sinh môi trường xung quanh.

Ban đêm nên tắt điện trong nhà, thắp điện bên ngoài để dẫn dụ ánh sáng cho bọ bay ra ngoài, rồi quét lại, gom và chôn sâu kèm theo vôi bột, các chất diệt côn trùng khác.

Theo GiaDinh