Lo ngại mẫu ớt bột gây ung thư 'tung hoành' thị trường tết

Ớt bột nhiễm chất gây ung thư đang là một trong những gia vị khiến nhiều người lo ngại sẽ được bán tràn lan ở các chợ truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán tới.

Lo ngại mẫu ớt bột gây ung thư 'tung hoành' thị trường tết

"Nóng" mẫu ớt bột gây ung thư

Vấn đề mẫu ớt bột nhiễm chất aflatoxin gây ung thư gan tiếp tục "nóng" lên tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 diễn ra chiều 6.2. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thông tin cho biết đã lấy 126 mẫu ớt bột tại các khu chợ của 6 tỉnh phía Nam gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu, để phân tích truy tìm chất aflatoxin. Theo ông Việt, mặc dù vẫn đang trong quá trình phân tích, song có thể thấy sơ bộ tỷ lệ chất aflatoxin không phải là ít. Để người tiêu dùng yên tâm trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ sẽ tập trung, tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất chế biến cung ứng ra thị trường thời gian tới.

Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus - một loại nấm mốc. Đây được xem là độc tố và là tác nhân gây ung thư. Các loại nông sản thường bị nhiễm aflatoxin như: Ngô, kê, lúa gạo, hạt lúa mì, lạc, đậu tương, hạt hướng dương, đậu nành; gia vị như: Ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa…

Cuối năm 2017 vừa qua, Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện 48 mẫu ớt bột được lấy ngẫu nhiên tại 5 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đều chứa chất aflatoxin. Trước thông tin này, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) cho biết quá trình kiểm tra tại các địa phương cũng có phát hiện ra một số cơ sở điều kiện bảo quản chế biến chưa đảm bảo khiến phát sinh ra nấm mốc.

Trong khi đó, giới chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện aflatoxin trong ớt bột là do việc thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản thủ công, khiến người dân không thể kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, dẫn đến việc nhiễm aflatoxin. Việc tích lũy lâu dài trong quá trình sống và sử dụng loại thực phẩm này sẽ gây nên ung thư gan.

Được biết, độc tố aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường, nó có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng. Loại nấm mốc này có khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Các nghiên cứu ở những vùng có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến ớt khô, ớt bột để đảm bảo các cơ sở đó thực hiện đúng quy trình bảo quản, bảo quản sản phẩm tốt để không phát sinh ra nấm mốc; chỉ đạo các chi cục địa phương tăng cường lấy mẫu, nếu phát hiện cơ sở nào có điều kiện bảo quản không tốt làm phát sinh ra aflatoxin sẽ xử lý vi phạm.

Chấm dứt chất cấm trong chăn nuôi

Cũng tại Hội nghị, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản cho biết hiện đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ.

Bộ NN&PTNT cho biết trong năm 2017 đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP.HCM (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con lợn); tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất...

Kết quả phân tích trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm 2017 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol. Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016 là 1,76%. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm  so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).

Năm 2018, Bộ đặt mục tiêu tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017. 

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản...

Theo Motthegioi