Làm việc quá sức, hơn 10.000 giáo viên Nhật Bản mắc các bệnh tâm lý

Phía sau hào quang của nền giáo dục phát triển hàng đầu châu Á và thế giới là những áp lực vô hình đè nặng cho đội ngũ giáo viên Nhật Bản.

Giáo viên nghỉ phép dài hạn vì trầm cảm cao kỷ lục

Theo công bố của Bộ Giáo dục Nhật Bản vào ngày 26/12/2022, hơn 10.000 giáo viên trường công nước này xin nghỉ phép một tháng hoặc lâu hơn do các bệnh tâm lý trong năm học 2021.

lam-viec-qua-suc-hon-10-000-giao-vien-nhat-ban-mac-cac-benh-tam-ly

Vào cuối tháng 12/2022, các quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản đã họp báo về số liệu thống kê số lần nghỉ phép của giáo viên trường công trong năm tài chính 2021. Ảnh: Norihiko Kuwabara

Đây là kết quả khảo sát khoảng 919.900 giáo viên tại các trường công lập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường cho đối tượng đặc biệt cũng như các cơ sở giáo dục khác trên khắp cả nước Nhật.

Trong năm học 2021, Nhật Bản có tổng cộng 10.944 giáo viên, tăng 15,2% (tương đương 1.448 người) so với 2020, đã nghỉ phép dài hạn từ một tháng trở lên do các bệnh tâm, bao gồm cả trầm cảm.

Trong khi đó, 5.897 giáo viên (chiếm 0,64% tổng số giáo viên) đã nghỉ hơn 90 ngày, mức tối đa số ngày nghỉ phép được cấp.

Đây cũng là kỷ lục mới lập, bởi từ năm học 2007, số giáo viên mắc bệnh tâm lý, trầm cảm phải nghỉ việc chỉ dao động quanh mức 5.000 người.

Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ giáo viên nghỉ ốm, nghỉ do các bệnh về tâm thần, tâm lý giảm dần theo từng nhóm tuổi.

Cụ thể là tỷ lệ cao nhất (1,87%) ở độ tuổi 20, 1,36% ở độ tuổi 30, 1,27% ở độ tuổi 40 và tới lứa tuổi 50 trở lên, tỷ lệ này giảm xuống còn 0,92%. Xu hướng nghỉ phép của giáo viên trẻ cũng cao nhất.

Tất cả các nhóm tuổi đều có sự gia tăng tỷ lệ nghỉ phép dài ngày so với năm học trước.

Làm việc quá sức, thiếu sự hỗ trợ

Trong 5.897 giáo viên nghỉ phép vì bệnh tâm lý trong năm học 2021, đến tháng 4/2022, chỉ 2.473 giáo viên (41,9%) quay trở lại giảng dạy. Có 2.283 giáo viên (38,7%) tiếp tục nghỉ phép và 1.141 (19,3%) đã nghỉ hẳn việc.

lam-viec-qua-suc-hon-10-000-giao-vien-nhat-ban-mac-cac-benh-tam-ly

Số lượng giáo viên Nhật Bản xin nghỉ phép từ một tháng trở lên do áp lực công việc đã gia tăng đáng kể từ năm 2016.

Trong khi đó, một số lượng lớn giáo viên trường công, những người được tuyển dụng vào những năm 1980 sau đợt bùng nổ dân số lần thứ hai ở Nhật Bản, sắp nghỉ hưu.Việc hạn chế tuyển dụng nhân lực ngành giáo dục vào những năm 2000 do dự đoán tỷ lệ sinh giảm, đã gây ra tình trạng thiếu giáo viên ở độ tuổi từ giữa 30 đến giữa 40.

Một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Nhật Bản được thực hiện vào năm 2016 cho thấy, có khoảng 30% giáo viên tại các trường tiểu học công lập và khoảng 60% tại các trường trung học cơ sở công lập làm việc ngoài giờ với hơn 80 giờ một tháng, mức được coi là làm việc quá sức.

Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12 năm 2022 bởi tổ chức phi lợi nhuận Kyouiku no Mori có trụ sở tại Hiroshima đã khẳng định, tình trạng quá tải công việc, thiếu sự hỗ trợ của những người quản lý là nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên trầm cảm.

Hội đồng giáo dục các địa phương Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp để giúp giáo viên trở lại làm việc dễ dàng hơn sau khi nghỉ phép.

Vào năm 2021, Hội đồng Giáo dục thủ đô Tokyo đã phối hợp với Bệnh viện Trung tâm Kant tổ chức chương trình “Trở lại làm việc”.

Theo chương trình, những giáo viên đã khỏi bệnh và mong muốn trở lại làm việc có thể tham gia các hoạt động hỗ trợ tinh thần, bao gồm yoga và liệu pháp làm vườn (horticultural therapy).

Các buổi trị liệu cũng được tổ chức thường xuyên.

Năm 2022, Hội đồng Giáo dục tỉnh Hyogo đã thành lập một nhóm chuyên gia, bao gồm cả một nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, túc trực tại văn phòng để hỗ trợ các giáo viên mắc bệnh lý về tâm thần, trầm cảm.

 

Theo GiaDinh