Không tổ chức dạy trước khai giảng, thời gian học sinh tựu trường sớm nhất là ngày 1/9

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường học không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quí II năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 30/6, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.

Ông Trần Quang Nam - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường; tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn. Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi thông tư cho phù hợp hơn.

Trong thời gian trước khai giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình.

Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

khong-to-chuc-day-truoc-khai-giang-thoi-gian-hoc-sinh-tuu-truong-som-nhat-la-ngay-1-9

Học sinh tập trung chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là 1/9.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lại khung năm học 2019 - 2020, theo đó học sinh nghỉ hè trước ngày 15/7. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức trong hai ngày 9 và 10/8.

Bên cạnh đó, năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Bộ GD&ĐT cho biết, đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, có trên 50% số trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Các Sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả có 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+.

Theo GiaDinh