Khoảng lặng sau những ngôi nhà tiền tỷ dọc sông Lô

Từ hai thập niên trước, nhiều người ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc rời quê hương lên Thủ đô kiếm sống. Những tòa nhà cao tầng sau đó đua nhau mọc lên, thế nhưng đằng sau sự thay đổi này cũng chất chứa nhiều nỗi niềm...

khoang-lang-sau-nhung-ngoi-nha-tien-ty-doc-song-lo

Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau ở xã Đức Bác (Sông Lô – Vĩnh Phúc). Ảnh: PV

Ngôi làng toàn người già và trẻ em

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại xã Đức Bác có hơn 70% số hộ dân đi buôn bán và làm ăn xa với khoảng 1.000 lao động. Theo lời ông Lê Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Đức Bác, con số này ngày một tăng, trong đó hai thôn Khoái Thượng và Khoái Trung hầu hết những người đang trong tuổi lao động, thanh niên trai tráng đều đã bỏ ruộng đồng, di cư đi nơi khác kiếm tiền.

Hai thôn nói trên cũng được nhiều người biết đến với cái tên "ngôi làng tỷ phú". Những ngôi nhà cao tầng cứ thế mọc lên dọc bên bờ sông Lô, có căn chi phí xây dựng nhiều tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, chủ của những căn nhà sang trọng này lại mải miết đi kiếm tiền vì thế đi dọc từ đầu làng đến cuối ngõ, chúng tôi chỉ bắt gặp bóng dáng của người già và trẻ em.

Ông Lưu Văn Vụ (82 tuổi, ở thôn Khoái Thượng) dẫn chúng tôi thăm một lượt ngôi nhà to nhất nhì xã của vợ chồng con gái ông xây dựng mấy năm nay. "Cái nhà này xây cũng hết vài tỷ đồng. Nhà cao cửa rộng nhưng lắm khi buồn tủi vì con cái đi cả năm, Tết mới về…", ông Vụ tâm sự.

Ông Vụ kể thêm: "Bố mẹ các cháu đi vắng nên chúng tôi không dám cho bọn trẻ ra ngoài chơi, phức tạp lắm. Được cái bọn trẻ ở đây rất ngoan, chăm học và vâng lời ông bà".

Ông Lê Ngọc Ánh tâm sự, thực tế, các phụ huynh bỏ xứ đi làm ăn xa rất đầu tư cho việc học của con cái. Hiện vấn đề nan giải của lãnh đạo địa phương là không tuyển đủ số lượng thanh niên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm do phần lớn các thanh niên trong xã đều đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương.

"Tuy nhiên, cũng có cái đáng mừng là gần đây địa phương hầu như không còn trường hợp các cháu bỏ học sớm để theo bố mẹ đi làm ăn xa. Đức Bác cũng là xã đứng đầu huyện Sông Lô về tỉ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng", Chủ tịch UBND xã Đức Bác bày tỏ.

Vẫn lênh đênh ngay cả khi "lên bờ"

khoang-lang-sau-nhung-ngoi-nha-tien-ty-doc-song-lo

Ông Lưu Văn Vụ bên trong ngôi nhà tiền tỷ, đầy đủ tiện nghi nhưng chỉ có người già và trẻ nhỏ ở.

Lần theo địa chỉ của chủ nhân những căn nhà tiền tỷ ở xã Đức Bác, chúng tôi tìm đến khu bến nhỏ thuộc phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Từ mờ sáng, người dân ở khu này đã thức dậy, chuẩn bị hàng mang đi buôn bán. Đa phần họ đều xuất thân ở huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) về Hà Nội mưu sinh từ 20 năm trước.

Ngày đó, việc di chuyển trên sông Hồng rất thuận lợi. Đây được xem là "con đường tơ lụa" của hàng trăm hộ dân Đức Bác tìm về Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Họ dùng những chiếc thuyền gỗ, mua hàng tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng gốm Mao Khê (tỉnh Quảng Ninh), sau đó đưa hàng vào trong nội đô buôn bán. Tuy nhiên, khoảng một thập niên trở lại đây, hạn hán khiến mực nước sông giảm mạnh, những người buôn gốm phải "lên bờ" thuê đất của người dân xung quanh thuộc phường Tứ Liên để bám trụ ở Thủ đô.

Anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1982, quê tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô) kể: "Năm đó tôi 10 tuổi, bỏ nhà đến bến này làm thuê. Dần dà có vốn, tôi tự bỏ tiền đi buôn rồi thuê đất ven sông. Thế nhưng bây giờ những chiếc thuyền buôn gốm neo đậu đã không còn nữa, đổi lại chúng tôi dùng những chiếc xe thồ gốm sứ cứ sáng đi tối về. Lứa của tôi hầu như ai cũng mua được đất hoặc gửi tiền về quê xây nhà cửa khang trang".

Đội thuyền gốm sứ năm xưa bây giờ sinh sống dưới sông Hồng còn rất ít. Khoảng hơn 30 hộ đã "lên bờ" thuê đất dựng lều lán mưu sinh. "Tôi đi theo bố mẹ từ khi 13 tuổi buôn gốm. Gia đình 5 miệng ăn khiến gia đình tôi phải bỏ quê lên đây buôn gốm. Cuộc sống dần ổn định, nhà cửa cũng xây ở quê nhưng do công việc bận rộn nên vài tháng tôi mới về thăm nhà. Đứa con lớn tôi gửi ở nhà nhờ ông bà trông nom. Còn đứa nhỏ thì tôi cho ở lại đây tiện chăm sóc", chị Vũ Thị Tươi (SN 1987, ở huyện Sông Lô) nhớ lại.

Ông Phạm Văn Tặng (Tổ trưởng Tổ dân phố 12 phường Tứ Liên - cạnh làng gốm sứ) cho biết: Do tự phát nên làng gốm sứ không thuộc các dân phố mà chỉ có công an khu vực quản lý. Tuy vậy, ở đây chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào, người dân cũng tuân thủ nghiêm chỉnh nội quy của phường Tứ Liên.

Cuộc sống của những người dân buôn gốm sứ ngày một đổi thay. Tuy nhiên, điều đáng mừng là họ đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của giáo dục. Bởi vậy mà nhiều bậc cha mẹ khi được hỏi đều tâm niệm rằng: Dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến mấy, cũng sẽ cố gắng để con em được học hành đến nơi đến chốn. Cũng theo chia sẻ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hết sức để con em ở làng gốm sứ có thể đến trường, dựng xây tương lai tốt đẹp…

Sau thời gian dài tha hương mưu sinh, tích góp tiền gửi về quê xây dựng nhà cao tầng, thế nhưng cuộc sống tại Hà Nội của nhiều hộ dân xã Đức Bác (huyện Sông Lô) hết sức khó khăn. Những ngày mới “lên bờ” tạm cư tại con rạch nhỏ ven sông Hồng, họ không có đường đi lại, thiếu nước sinh hoạt và cậy nhờ vào những ngọn nến để thắp sáng khi màn đêm buông xuống.

Trước đây, bà con trong xóm chủ yếu sử dụng nước mưa để tắm rửa, giặt giũ. Mãi vài năm trở lại đây, các gia đình mới góp tiền khoan giếng để thuận tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Theo GiaDinh